“Thành công của Việt Nam là rất thần kỳ dưới góc nhìn người dân Nhật"

Ông Hiroyuki Moribe, Giám đốc Viện nghiên cứu Kinh tế Việt Nam của Nhật Bản, đã khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn về việc Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng kinh tế tích cực bất chấp đại dịch.
“Thành công của Việt Nam là rất thần kỳ dưới góc nhìn người dân Nhật" ảnh 1Ông Hiroyuki Moribe trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. (Ảnh: Đức Thịnh/TTXVN)

“Dưới góc nhìn của người dân Nhật Bản, thành công của Việt Nam là rất thần kỳ và kỳ lạ. Việt Nam đã để lại ấn tượng trong cộng đồng quốc tế là đất nước an toàn, tiềm năng kinh tế lớn với lợi thế dân số đông.”

Ông Hiroyuki Moribe, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Kinh tế Việt Nam (VERI) của Nhật Bản, đã khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về việc Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng kinh tế tích cực bất chấp đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Năm 2020, bất chấp đại dịch, Việt Nam là một trong số ít các nền kinh tế trên thế giới vẫn tăng trưởng. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới thành công đó?

Ông Hiroyuki Moribe: Một trong yếu tố quan trọng nhất đó là việc Việt Nam đã kiểm soát được dịch COVID-19. Mặc dù dịch COVID-19 đã tái bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng Việt Nam đã kiểm soát tốt, và đây là yếu tố rất quan trọng trong bối cảnh tại Mỹ, châu Âu, Nam Mỹ tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới tăng nhanh.

Mặt khác, có thể thấy, việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhanh chóng đưa ra biện pháp quyết liệt để đối phó với dịch COVID-19 như đóng cửa biên giới và người dân Việt Nam tuân thủ nghiêm chỉnh các biện pháp này đã góp phần giúp Việt Nam thành công trong việc ứng phó với dịch COVID-19 và duy trì được hoạt động kinh tế thuận lợi.Việt Nam là một trong số ít các nước duy trì tăng trưởng dương trong năm 2020.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, làn sóng thứ ba của dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh mẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng. Tôi cho rằng Nhật Bản phải học hỏi Việt Nam nhiều điều về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và thúc đẩy hoạt động kinh tế.

[Chuyên gia Nhật: Việt Nam hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN]

Tôi nghe nói hiện tại, hoạt động sản xuất tại Việt Nam vẫn diễn ra thuận lợi và không hề bị ảnh hưởng. Các hoạt động xã hội đã trở lại bình thường. Trong khi đó, tại Nhật Bản, như các bạn đã biết, chương trình kích cầu du lịch nội địa “Go to Travel” đã bị tạm dừng.

Dưới góc nhìn của người dân Nhật Bản, thành công của Việt Nam là rất thần kỳ và kỳ lạ. Việt Nam đã để lại ấn tượng trong cộng đồng quốc tế là đất nước an toàn, tiềm năng kinh tế lớn với lợi thế dân số đông.

Tôi cho rằng một khi dịch bệnh được kiểm soát và vắcxin ngừa COVID-19 bắt đầu đưa vào sử dụng, hoạt động đi lại giữa các quốc gia sẽ dễ dàng hơn và lượng người nước ngoài đến Việt Nam sẽ tăng lên, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại sôi động hơn và kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Theo ông, Việt Nam cần làm gì để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực đó?

Ông Hiroyuki Moribe: Để Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng bền vững, từ kinh nghiệm của các nước phát triển trong khu vực, trong đó có Nhật Bản, tôi cho rằng điều quan trọng đó là đổi mới.

Việt Nam là quốc gia mạnh về toán học và khoa học tự nhiên nên điều này là hoàn toàn trong khả năng. Nếu tận dụng tốt sự đổi mới, kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Xin chân thành cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.