Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Sau hơn một năm đưa Luật Dân quân tự vệ vào cuộc sống, tại tỉnh Thanh Hóa, lực lượng dân quân tự vệ biển đã trở thành chỗ dựa vững chắc, tin cậy cho ngư dân khi tham gia đánh bắt xa bờ, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Trên bờ, họ là những tuyên truyền viên vận động ngư dân chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, giúp bà con nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, gắn lao động sản xuất, phát triển kinh tế với giữ vững an ninh trật tự.
Là địa phương có tới 102km bờ biển nên tỉnh Thanh Hóa rất coi trọng việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển. Hiện nay, toàn tỉnh có 6 trung đội dân quân tự vệ biển với 186 thành viên.
Cùng với việc trang bị đầy đủ các thiết bị, công cụ hỗ trợ, hệ thống thông tin liên lạc, dụng cụ cứu hộ, cứu nạn, hàng năm, bám sát phương châm huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, hiệu quả,” công tác huấn luyện đối với lực lượng dân quân tự vệ biển được tổ chức một cách bài bản, chất lượng.
Nội dung giáo dục chính trị tập trung nâng cao nhận thức về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương; âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; tình hình an ninh tuyến biển; văn bản pháp luật về biển.
[Những cống hiến thầm lặng của những chiến sỹ dân quân tự vệ TP.HCM]
Việc huấn luyện quân sự tập trung vào các nội dung: Phòng, chống cháy, chống chìm, lai kéo tàu thuyền trên biển, sử dụng phương tiện thông tin liên lạc trên biển, vệ tinh định vị; quan sát, phát hiện tàu lạ và chế độ báo cáo, huấn luyện phòng chống bão, phối hợp với lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Qua kiểm tra đánh giá, chất lượng huấn luyện của lực lượng dân quân tự vệ biển được nâng cao; kết quả huấn luyện 100% đạt yêu cầu, trong đó 75% khá, giỏi trở lên, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và vũ khí trang bị.
Thiếu tá Trịnh Xuân Thành, Trưởng ban Dân quân tự vệ (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa) cho biết, cùng với hoạt động huấn luyện chiến đấu bảo vệ vùng biển, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn, dân quân tự vệ biển thường xuyên phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tổ chức tuần tra ven bờ và trên biển, kịp thời xử lý trường hợp vi phạm.
Đặc biệt, đối với công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển, các đơn vị chú trọng tổ chức luyện tập, huấn luyện nghiêm túc, sát với tình huống xảy ra, đồng thời nắm chắc tình hình trên biển, phối hợp quản lý chặt chẽ mọi tình huống theo chức trách, nhiệm vụ được giao.
Quảng Xương là một trong những địa phương có nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Tại đây, lực lượng dân quân tự vệ biển phần lớn là ngư dân, ngư trường hoạt động rộng, phân tán, ít có thời gian tập trung.
Do vậy, hàng năm, Ban Chỉ huy quân sự huyện xây dựng kế hoạch huấn luyện, diễn tập sát thực tế, địa bàn và phù hợp với thời gian của ngư dân. Đội dân quân tự vệ biển của huyện được tổ chức huấn luyện chặt chẽ, khoa học, sát thực tế.
100% chiến sỹ dân quân tự vệ biển được huấn luyện đúng, đủ nội dung, thời gian theo quy định, trong đó chú trọng bồi dưỡng phương pháp tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, truyền tin theo phân cấp bằng máy Icom, cách xử trí các tình huống gặp nạn trên biển. Qua đó, góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu phòng thủ trong các tình huống đặt ra.
Theo Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Quảng Nham Đoàn Văn Hiếu, lực lượng dân quân tự vệ biển phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng, kiểm ngư cùng các lực lượng khác giữ gìn chủ quyền, an ninh biên giới trên biển, phát hiện tình hình hoạt động của tàu, thuyền nước ngoài xâm phạm lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản sai quy định. Ngoài ra, lực lượng dân quân tự vệ biển tích cực tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển và phòng chống lụt bão.
Riêng năm 2021, lực lượng dân quân tự vệ biển đã tham gia cứu hộ cứu nạn 3 tàu với 27 ngư dân gặp nạn trên biển. Khi ở trên bờ, lực lượng dân quân tự vệ biển đẩy mạnh tuyên truyền phát luật về biển cho ngư dân, tham gia cùng lực lượng khác bảo vệ an ninh trật tự khu vực neo đậu tàu thuyền tại bến bãi.
Với những cách làm trên, các tổ đội dân quân tự vệ biển thực sự là chỗ dựa vững chắc của ngư dân trên biển, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn và bảo vệ chủ quyền biển đảo ở khu vực được giao nhiệm vụ./.