Thanh Hóa: Đưa Nghi Sơn trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế biển

Sự kiện huyện Tĩnh Gia cũ chính thức trở thành thị xã Nghi Sơn kể từ ngày 1/6/2020, là động lực to lớn để địa phương phát huy nội lực thu hút đầu tư phát triển kinh tế đa ngành, nhất là kinh tế biển.
Thanh Hóa: Đưa Nghi Sơn trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế biển ảnh 1Tàu container quốc tế đầu tiên cập cảng Nghi Sơn tháng 5/2019. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Ngày 22/4/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 933/NQ-UBTVQH14 thành lập thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của huyện Tĩnh Gia (cũ). Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/6/2020.

Sự kiện huyện Tĩnh Gia cũ chính thức trở thành thị xã Nghi Sơn kể từ ngày 1/6/2020, là động lực to lớn để Đảng bộ và người dân nơi đây đồng lòng phát huy tối đa nội lực, thu hút đầu tư phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, nhất là kinh tế biển đầy hứa hẹn nơi đây.

Khơi dậy tiềm năng và lợi thế

Thị xã Nghi Sơn nằm ở cực Nam của tỉnh Thanh Hóa giáp tỉnh Nghệ An, phía Đông giáp biển có tổng diện tích 45.56ha với địa hình bán sơn địa, bao gồm đồi núi, vùng đồng bằng và đất bãi ven biển, đường bờ biển dài 42km và những dải cát mịn kéo dài qua 3 cửa lạch là lạch Bạng, lạch Ghép và lạch Hà Nẫm.

Nghi Sơn có 15 phường ven biển, từ lạch Ghép đến giáp tỉnh Nghệ An (gồm: Hải Châu, Hải Ninh, Hải An, Tân Dân, Hải Lĩnh, Ninh Hải, Hải Hòa, Hải Thanh, Bình Minh, Hải Bình, Tĩnh Hải, Hải Yến, Hải Thượng, Nghi Sơn và Hải Hà). 

Từ bao đời nay, nhân dân vùng ven biển đã phát triển mạnh nghề khai thác, chế biến hải sản, trở thành nghề chính ở thị xã. Những năm gần đây, kinh tế biển còn phát triển thêm nhiều mảng như du lịch biển, nuôi trồng thủy sản nước mặn, góp phần khơi dậy tiềm năng và lợi thế “đặc biệt” từ biển để làm giàu.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thị xã Nghi Sơn, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản năm 2019 của thị xã đạt 36.349 tấn, tăng 13,5% so với kế hoạch đề ra; tăng gần 6.000 tấn so với năm 2010. 

Trong số đó, sản lượng khai thác đạt 33.772 tấn; sản lượng nuôi trồng 2.577 tấn, tăng 28,85 %. Tổng số có 2.363 tàu cá với tổng công suất 233.351 CV, trong đó có 752 tàu khai thác hải sản xa bờ có công suất từ trên 90 CV, 909 tàu khai thác thủy sản ven bờ có công suất từ 20 CV trở lên. 

Ba tháng đầu năm 2020, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 36.349 tấn, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2019; sản lượng khai thác 33.772 tấn, sản lượng nuôi trồng 2.577 tấn.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Nguyễn Tiến Dũng khẳng định, nếu như từ năm 2015 trở về trước, nghề nuôi trồng thủy sản của các địa phương có biển nặng theo phương thức quảng canh, may mắn mới có lãi, gặp dịch bệnh hay sự cố ô nhiễm là “mất cả chì lẫn chài.”

Những năm gần đây, địa phương đã có thay đổi rất lớn về tư duy và phương pháp nuôi trồng. Các cơ quan chức năng của thị xã đã kiên trì bám địa bàn, thuyết phục các hộ ven biển có diện tích nuôi tập trung như Hải Bình, Hải Thanh, Bình Minh, Xuân Lâm, Hải Hà, Nghi Sơn, Hải Châu phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng lựa chọn đối tượng nuôi, hình thức nuôi phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, trình độ kỹ thuật, cơ sở hạ tầng. Thuyết phục người dân chuyển hình thức nuôi trồng quảng canh sang nuôi thâm canh, mặt khác đa dạng các loài nuôi theo hướng an toàn, đa dạng sinh học.

Nhờ đa dạng hóa các loài vào nuôi trồng thủy hải sản, năng suất và sản lượng nuôi trồng của thị xã Nghi Sơn ngày càng gia tăng. Hằng năm, tổng diện tích nuôi trồng nước mặn, nước lợ 542 ha cho sản lượng đạt gần 2.000 tấn sản phẩm. Đặc biệt, việc nuôi đa dạng hóa, kết hợp các loài nuôi có đặc tính hỗ trợ lẫn nhau, hiệu quả mang lại là hạn chế được lượng thức ăn dư thừa, giảm các nguy cơ xảy ra dịch bệnh, hạn chế sử dụng các loại thuốc, hóa chất xử lý môi trường. Nên dư lượng các hóa chất tồn dư trong khu vực nuôi và sản phẩm nuôi không đáng kể, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Xây dựng chuỗi sản xuất chế biến hải sản Hải Bình

Phường Hải Bình là địa phương đi đầu thực hiện Chương trình phát triển kinh tế biển của thị xã Nghi Sơn. Đặc biệt, nơi đây đã và đang tập trung hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ hải sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trước năm 2000, xã Hải Bình (cũ) là bán đảo cách biệt với bên ngoài, bởi phía Đông giáp biển, lại có sông Bạng bao bọc cả vùng gần như khép kín. Do vậy, muốn đến các vùng lân cận, người dân nơi đây phải đi qua đò rất vất vả và nguy hiểm. Bù lại, vùng đất này có cửa Lạch Bạng nối thông với Vịnh Bắc Bộ nên tàu thuyền từ đất liền vươn khơi thuận tiện, cũng như là chỗ neo đậu tránh bão rất an toàn.

Thanh Hóa: Đưa Nghi Sơn trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế biển ảnh 2Phân loại thủy sản trước khi đưa đi tiêu thụ.(Nguồn: TTXVN)

Đặc biệt là từ khi Cảng cá Lạch Bạng đi vào hoạt động có quy mô gần 1.000 tàu thuyền neo đậu, cùng với 2 cầu vượt sông được xây dựng và các chợ đầu mối hình thành, giúp phường Hải Bình tận dụng “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để tạo sự đột phá phát triển kinh tế biển toàn diện và vững chắc.

[Khu kinh tế Nghi Sơn duy trì hoạt động sản xuất, quyết liệt chống dịch]

Tính đến tháng 4/2020, Hải Bình đã có 115 tàu thuyền, tăng 55 tàu thuyền so với năm 2015; sản lượng đánh bắt bình quân hàng năm 2.700 tấn. Đây chính là nguồn nguyên liệu thường xuyên, được bổ sung thêm một lượng dồi dào từ các tàu của các địa phương khác vào bán ở Cảng cá Lạch Bạng.

Riêng các phương tiện thu mua hải sản, cung ứng nguyên vật liệu, lương thực và thực phẩm cho các phương tiện đánh bắt xa bờ của phường lên tới 92 tàu, sản lượng trung bình mỗi năm thu mua 100.000 tấn, giúp các chủ tàu tăng thời gian bám trụ trên biển lên gấp đôi so với trước, vừa giảm đáng kể chi phí đánh bắt xa bờ.

Các cơ sở chế biến đạt sản lượng đạt 26.000 tấn/năm, giải quyết việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho trên 1.500 lao động. 

Bên cạnh đó, địa phương còn có 415 cơ sở kinh doanh dịch vụ, thương mại với hàng nghìn lao động, bình quân đạt giá trị 80 tỷ đồng. Các doanh nghiệp ở đây đã tạo dựng được thương hiệu các mặt hàng hải sản chất lượng cao xuất khẩu, như Công ty Long Hải, Sông Việt, Ngọc Sơn; riêng chế biến nước mắm đạt trên 1 triệu lít/năm.

Khởi động du lịch biển

Là thị xã ven biển phía Nam của xứ Thanh, Nghi Sơn không chỉ được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho một bờ biển thoải dài mênh mông cát trắng, mà còn có những làng nghề truyền thống nổi tiếng, những di tích, lễ hội tâm linh độc đáo…để du khách thăm thú trong những dịp Hè. Đó là vùng Hải Hòa, Hải Thanh, bán đảo Nghi Sơn hay còn gọi là hòn Biện, đảo Biện, cù lao Biện.

Các đền, chùa, miếu mạo ở đây phải kể đến Đền Quang Trung thuộc khu dân cư Du Xuyên, phường Hải Thanh. Chùa Đót Tiên trên núi Non Tiên gần cửa sông Bạng, được xây dựng năm 1755 vốn là căn cứ Biện Sơn. Chùa còn giữ được nhiều bia hiệu các thời Minh Mệnh, Tự Đức, Khải Định. 

Cũng ngay cửa sông Bạng nằm trên một mỏm núi có Khu đền Lạch Bạng còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý giá như chuông đồng đúc vào năm Tự Đức thứ 3 (1850), 32 đạo sắc của các triều vua phong kiến Việt Nam từ giữa thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20 phong cho các vị nhân thần…

Hàng năm vào dịp mùa Xuân, người dân trong vùng tổ chức Lễ hội Cầu ngư và bơi chải trước cửa khu đền.

Có người ví von, du lịch biển của thị xã Nghi Sơn giống như thiếu nữ làng chài “da nâu, mắt sáng, vóc dáng hiền hòa” mới được đánh thức khoảng 5 năm gần đây. 

Hiện cả thị xã mới có 124 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 22 khách sạn và 102 nhà nghỉ. Năm 2019, số lượt khách đến nghỉ ngơi tắm biển khoảng 675.000 lượt, doanh thu 710 tỷ đồng là quá khiêm tốn so với tiềm năng đa dạng về du lịch biển mà thị xã hiện có.

Thanh Hóa: Đưa Nghi Sơn trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế biển ảnh 3Một góc bãi tắm Khu du lịch biển Hải Hòa. (Nguồn: tinhgia.thanhhoa.gov.vn)

Trong số các khu, điểm du lịch biển của thị xã Nghi Sơn, du khách trong nước tìm đến đông nhất là Khu Du lịch biển Hải Hòa. Khu du lịch này có diện tích trên 100ha nằm chủ yếu trên địa phận tổ dân phố Giang Sơn và Đông Hải, cách Quốc lộ 1A khoảng 3km.

Bãi biển nơi đây đang giữ được những nét hoang sơ ngập tràn cát trắng, men theo rặng phi lao xanh mướt dài 20km về hướng Bắc cho đến tận phường Hải Ninh và chỗ nào cũng có thể tắm được. Từ đây có thể nhìn ra đảo Hòn Mê như viên ngọc xanh giữa biển khơi, phía Nam là núi Thổi và núi Chay chạy tới tận mép biển.

Trong tương lai gần với sự kiện huyện Tĩnh Gia cũ chính thức trở thành thị xã Nghi Sơn kể từ ngày 1/6/2020, là động lực to lớn để địa phương phát huy tối đa nội lực, thu hút đầu tư phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, nhất là kinh tế biển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.