Chiều 1/9, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Phạm Đăng Quyền đã đi kiểm tra tại 2 địa phương bị ngập lụt nặng nhất tỉnh Thanh Hóa là Thạch Thành và Cẩm Thủy.
Tại huyện miền núi Thạch Thành, đến chiều 1/9, đã có 15 xã, thị trấn với 1.067 hộ chìm trong nước lũ. Nước đã tràn qua đê sông Bưởi khiến hàng ngàn hộ dân tại xã Thạch Định, huyện Thạch Thành phải khẩn trương di chuyển đồ đạc, tránh tình huống xấu xảy ra.
Huyện Thạch Thành đã khẩn trương huy động lực lượng tổ chức sơ tán 630 hộ dân của xã Thạch Định đến nơi an toàn, đồng thời huy động hàng trăm cán bộ, dân quân tiến hành đắp đê bao tại những nơi xung yếu, hạn chế nước lũ vượt đê tràn vào khu vực trũng thấp của xã Thạch Định.
Đến 19 giờ ngày 1/9, mực nước trên sông Bưởi đã có bắt đầu rút chậm. Tuy vậy, chính quyền huyện Thạch Thành vẫn đang khẩn trương lên phương án, ứng trực, sẵn sàng hỗ trợ các hộ dân trong vùng lụt nếu có tình huống xấu xảy ra.
[Mưa lũ tiếp tục gây thiệt hại nặng tại các tỉnh miền núi phía Bắc]
Hiện Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thành mong muốn tỉnh Thanh Hóa cho nâng cấp hoặc đổ thành tôn cao đê Thạch Định từ 12,5m lên 13-13,5m để giảm tần suất ngập lụt cho nhân dân xã Thạch Định.
Bên cạnh đó, đê tả sông Bưởi tuy đã được kiên cố nhưng từ mùa mưa năm 2017 đã xuất hiện một số đoạn mạch sủi ở mái và chân đê, huyện rất cần Ủy ban Nhân dân tỉnh hỗ trợ kinh phí để gia cố lại những đoạn đê này.
Tại huyện miền núi Cẩm Thủy, mưa lớn đã khiến 11 điểm trường bị ngập nước, có nơi ngập trên 3m, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh khi chỉ còn vài ngày nữa là năm học mới bắt đầu.
Hiện mực nước sông Mã tại huyện Cẩm Thủy đã rút xuống khoảng trên dưới 1m nên người dân ở các xã ven sông Mã và thị trấn Cẩm Thủy đã bắt tay ngay vào việc dọn dẹp nhà cửa để đưa tài sản về nhà cũng như ổn định cuộc sống.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương, đến cuối giờ chiều 1/9, Thanh Hóa đã có 8 người chết, 7 người mất tích do mưa lũ.
Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh đã có 208 ngôi nhà bị hư hỏng hoàn toàn, 8 ngôi nhà hư hỏng một phần, 146 ngôi nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất và gần 6.500 ngôi nhà bị ngập.
Ngành nông nghiệp cũng chịu nhiều thiệt hại với gần 1.800 ha lúa, 266 ha hoa màu bị ngập và hư hỏng. Các công trình thủy lợi, đê điều, giao thông bị nhiều hư hỏng, thiệt hại.
Trực tiếp đi kiểm tra tình hình mưa lũ tại các địa phương trong tỉnh ngày 1/9, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Phạm Đăng Quyền đánh giá cao tinh thần chủ động ứng phó với lũ lụt của chính quyền, nhân dân vùng lũ.
Hiện nước lũ trên các sông đang xuống nhưng với tốc độ rất chậm, vì vậy các địa phương vùng lũ cần tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết để có phương án ứng phó kịp thời.
Các địa phương cần đảm bảo sinh hoạt cho nhân dân, không để nhân dân thiếu đói, ngay sau khi nước rút cần khẩn trương dọn dẹp nhà cửa, xử lý môi trường, với tinh thần nước rút đến đâu xử lý đến đó, đồng thời chuẩn bị các phương án, giống cây trồng, vật nuôi để nhân dân khôi phục sản xuất.
Hiện các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của lũ lụt, phân công cán bộ bám sát địa bàn, chuẩn bị đầy đủ các vật tư, phương tiện, lực lượng và phương án để sẵn sàng chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra./.