Thanh long được phép xuất khẩu trở lại qua cửa khẩu Lào Cai

Ngày 12/1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết Bộ đã nhận được thông tin cửa khẩu Lào Cai chính thức được phép xuất khẩu thanh long trở lại sang Trung Quốc.
Thanh long được phép xuất khẩu trở lại qua cửa khẩu Lào Cai ảnh 1Xe chở hàng hóa thông quan tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, Lào Cai. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Tại cuộc họp trực tuyến về thúc đẩy xây dựng nông sản qua vận tải đường biển do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Bộ Giao thông Vận tải tổ chức chiều 12/1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, Bộ vừa nhận được thông tin tại cửa khẩu Lào Cai đã chính thức được phép xuất khẩu thanh long trở lại sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, trước đó, ngày 10/1, cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) cũng đã được mở cửa trở lại. Nhưng hôm nay, cửa khẩu này lại phải tạm dừng thông quan do phát hiện một lô hàng có virus SARS-CoV-2 trên bao bì để khử khuẩn, sau đó sẽ tiếp tục thông quan trở lại.

Hiện, Bằng Tường (Trung Quốc) cũng đang đề nghị Trung ương xem xét để sớm mở cửa trở lại cửa khẩu cửa khẩu Tân Thanh-Pò Chài.

Tuy Trung Quốc có mở cửa trở lại một số cửa khẩu nhưng có thể dừng lại bất kỳ lúc nào nếu bị phát hiện có virus SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, hiện đang vào gần Tết Nguyên đán, lượng hàng lớn, nếu doanh nghiệp tiếp tục dồn lên, cộng với nghỉ Tết Nguyên đán thì sẽ rất khó khăn.

“Nội dung chính là phía Trung Quốc hạn chế thông quan là do một số bao bì lô hàng có virus SARS-CoV-2, còn một số thủ tục xuất khẩu vẫn bình thường. Phía Trung Quốc cho rằng, vấn đề quan trọng là kiểm soát chặt virus SARS-CoV-2trên bao bì sản phẩm. Virus SARS-CoV-2 nhiễm vào bao bì hàng hóa do trong quá trình vận chuyển chứ không phải trong sản phẩm,” Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

[Thông quan gần 200 xe hàng qua cửa khẩu, lối mở ở Móng Cái]

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng chỉ rõ thêm, hiện một số ngành, doanh nghiệp đang hiểu sai về xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhiều thông tin cho rằng, xuất khẩu tiểu ngạch do sản phẩm nông sản không đảm bảo chất lượng là hoàn toàn không đúng.

“Hàng hóa xuất khẩu tiểu ngạch hay chính ngạch đều phải chịu sự kiểm dịch, đảm bảo chất lượng, nhãn mác, bao bì, có truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng…. đầy đủ theo đúng quy định của Trung Quốc. Xuất khẩu tiểu ngạch hay chính sách chỉ là hình thức xuất nhập khẩu qua biên giới còn nói hàng tiểu ngạch là hàng kém chất lượng là hoàn toàn sai,” Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu rõ.

Đối với thị trường Trung Quốc, các cơ quan chức năng đã cấp gần 2.000 mã số vùng trồng, đạt trên 60%; riêng thanh long có 247 mã số, chiếm trên 85% tổng diện tích trồng thanh long; xoài cũng cấp được trên 272 mã số, chiếm trên 40%; mít cũng có gần 50% mã số vùng trồng…

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng thông tin, hiện nhiều trung tâm kiểm tra, kiểm dịch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những thiết bị kiểm tra virus SARS-CoV-2 trên bao bì hàng hóa để sẵn sàng vào cuộc cùng doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu nông sản./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.