Thành phố Hà Nội cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính

Theo Kết quả công bố tháng 4/2023, chỉ số Cải cách hành chính (PARINDEX) của thành phố Hà Nội đạt 89,58%, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2021.
Thành phố Hà Nội cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính ảnh 1Người dân thực hiện thủ tục về thuế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hướng tới mục tiêu cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mức độ hài lòng của cơ quan, tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Triển khai đồng bộ nhiều chương trình, kế hoạch

Để có lộ trình cải cách hành chính, năm 2022, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch về khắc phục tồn tại, hạn chế về kỷ cương hành chính, cải cách thủ tục hành chính và công tác thanh tra, kiểm tra công vụ năm 2023 và những năm tiếp theo.

Đến nay, 4 sở, ngành, 8 quận, huyện đã ban hành Kế hoạch khắc phục theo chỉ đạo này.

Thành phố duy trì hoạt động của Tổ công tác cải thiện, nâng cao chỉ số Cải cách hành chính (PARINDEX), Chỉ số sự hài lòng của tổ chức và cá nhân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) của thành phố.

Tổ công tác đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương rà soát, hoàn thành dứt điểm các nhiệm vụ cải cách hành chính và Kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số PARINDEX, SIPAS năm 2022.

Đến nay, 100% sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã đã ban hành các văn bản, kế hoạch cải thiện, nâng cao hai chỉ số này trong giai đoạn 2020-2025.

Thành phố tiếp tục đánh giá và xác định rõ một số giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; xây dựng và triển khai Kế hoạch khảo sát, đo lường lấy ý kiến hài lòng của người dân, tổ chức đối với một số dịch vụ công liên quan đến đất đai, xây dựng, y tế, giáo dục và sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị.

[Hà Nội: Thực hiện các giải pháp quyết liệt nhằm cải thiện chỉ số PCI]

Hà Nội khuyến khích các cơ quan, đơn vị đăng ký, triển khai các mô hình, sáng kiến cải cách hành chính; tiếp tục tổng kết, rút kinh nghiệm để đề xuất nhân rộng ra toàn thành phố. Đến nay, 18/22 Sở, ngành với 19 sáng kiến; 29/30 quận, huyện, thị xã với 54 sáng kiến được đăng ký.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động cải cách hành chính, Ủy ban Nhân dân thành phố đã chỉ đạo Sở Nội vụ thành lập Đoàn khảo sát nghiên cứu kinh nghiệm cải cách hành chính để trao đổi kinh nghiệm tại một số tỉnh nhằm đẩy nhanh cải cách hành chính, thủ tục hành chính, chính quyền số, chính quyền điện tử hiệu quả, đi vào thực chất, nhanh chóng và tiết kiệm hơn.

Năm 2023, Hà Nội tập trung kiểm tra việc triển khai và kết quả thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số.

Đến hết tháng 6/2023, Đoàn kiểm tra cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính của thành phố đã tổ chức kiểm tra 6 đơn vị. Các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra cải cách hành chính, lồng ghép với kiểm tra công vụ.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuẩn bị nội dung theo yêu cầu của Đoàn giám sát Hội đồng Nhân dân thành phố trong việc thực hiện cải cách hành chính gắn với việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số.

Đoàn giám sát đã thực hiện giám sát tại 15 đơn vị, trong đó đã bố trí, giám sát trực tiếp Ủy ban Nhân dân thành phố về thực hiện công tác cải cách hành chính, gắn với việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số.

Thành phố Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, vận động nhân dân, các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô tích cực hưởng ứng, tham gia trách nhiệm, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cải cách hành chính, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính của thành phố giai đoạn 2021-2025.

Hà Nội đã vận hành chính thức kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp về quy định hành chính qua ứng dụng Zalo tại địa chỉ: Zalo Official Acount “Phản ánh kiến nghị thành phố Hà Nội;” chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị thực hiện việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính được gửi đến thuộc thẩm quyền xử lý của đơn vị theo quy định.

Các đơn vị như Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, các Sở: Tư pháp, Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông; các quận, huyện, thị xã: Cầu Giấy, Long Biên, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Phú Xuyên, Mê Linh, Ba Vì, Thanh Trì, Phúc Thọ, Đông Anh, Ứng Hòa, Đan Phượng, Mỹ Đức, Sơn Tây... đã xây dựng nhiều nội dung tuyên truyền để đăng tải trên nhiều báo Trung ương và địa phương, góp phần tạo sự chuyển biến về cải cách hành chính tại địa phương.

Hiệu quả tích cực

Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã có 100% thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Việc tiếp nhận, giải quyết được giám sát, kiểm soát chặt chẽ đã hạn chế tối đa việc nhũng nhiễu, chậm trễ.

Thành phố Hà Nội cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính ảnh 2Người dân thực hiện thủ tục hành chính. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ủy ban Nhân dân thành phố thực hiện Đề án mô hình Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính hiện đại các cấp; Quyết định phê duyệt quy trình liên thông giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực giao thông vận tải và nội vụ; Quyết định phê duyệt chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực thực thi công vụ cho công chức tiếp công dân, bộ phận một cửa.

Triển khai chỉ đạo của Trung ương, Hà Nội đã phân công một lãnh đạo phòng kiểm soát thủ tục hành chính trực tiếp việc rà soát, tích hợp các dịch vụ công trực tuyến do thành phố thực hiện lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo quy định.

Thành phố đã ban hành 8 Quyết định phê duyệt phương án tái cấu trúc quy trình giải quyết thủ tục hành chính; 3 Quyết định ban hành Quy chế phối hợp thực hiện liên thông các thủ tục hành chính lĩnh vực xây dựng, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Hiện nay, Ủy ban Nhân dân thành phố đã chỉ đạo Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn triển khai đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo hướng đánh giá trực tuyến và tổng hợp, công khai kết quả đánh giá trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống Một cửa điện tử dùng chung ba cấp.

Ủy ban Nhân dân thành phố xây dựng các quy trình phối hợp để giải quyết công việc nội bộ. Các Sở, ban, ngành đã phê duyệt theo thẩm quyền 428 quy trình giải quyết công việc nội bộ tại Sở; cấp huyện ban hành 1.684 quy trình; cấp xã ban hành 2.962 quy trình giải quyết các công việc nội bộ (ngoài thủ tục hành chính) và 113 quy trình liên thông giải quyết công việc cấp xã và cấp huyện.

Các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố đã rà soát, đánh giá, thống kê và đề xuất các quy trình giải quyết công việc nội bộ (ngoài thủ tục hành chính) theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp với hệ thống quản lý chất lượng ISO.

Đến nay, các Sở, ban, ngành thành phố đã ban hành 305 quy trình; cấp huyện ban hành 1.688 quy trình và 111 quy trình liên thông; cấp xã ban hành 3.755 quy trình.

Thành phố tiếp tục triển khai đến các sở, ngành, quận, huyện Đề án Một cửa hiện đại, thành lập Đoàn kiểm tra kiểm soát thủ tục hành chính, dự kiến sẽ kiểm tra 38 đơn vị năm 2023.

Đối với công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính và đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, Ủy ban Nhân dân thành phố đã vận hành chính thức kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp về quy định hành chính qua ứng dụng Zalo; chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã tăng cường tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị trên hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh kiến nghị của Cổng dịch vụ công quốc gia.

Kết quả 6 tháng qua, tổng số có 1.082 phản ánh kiến nghị đã tiếp nhận trong kỳ báo cáo; 1.052 phản ánh kiến nghị đã xử lý (đạt 97%).

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết kết quả một số Chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền năm 2022 của thành phố công bố tháng 4/2023 như sau: Chỉ số Cải cách hành chính (PARINDEX) đạt 89,58%, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2021.

Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt 80,16%, xếp thứ 30/63 tỉnh/thành phố. Đây là năm thứ 5 liên tiếp, chỉ số Hài lòng của thành phố Hà Nội đạt trên 80%.

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đạt 43,90/80 điểm, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm 1 (nhóm 15 tỉnh/thành phố có điểm số cao nhất).

Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Hà Nội giữ vị trí trong nhóm 1 và tiến bộ vượt bậc so với giai đoạn trước (Giai đoạn 2015-2020, Hà Nội luôn ở vị trí nhóm 4 - nhóm có điểm số thấp nhất)./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục