Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết trong tháng Bảy, thành phố có 37 dự án được cấp phép mới, tổng vốn đăng ký đạt 22,2 triệu USD.
Cùng với đó, trong tháng Bảy có 18 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 24,5 triệu USD; 1 dự án điều chỉnh giảm vốn 40 triệu USD (Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử Meiko tại Khu Công nghiệp Quang Minh); nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 19 lượt, đạt 10,4 triệu USD.
Tính chung 7 tháng, toàn thành phố thu hút 2.282 triệu USD vốn FDI, trong đó đăng ký cấp mới 233 dự án với số vốn đạt 97,5 triệu USD; 108 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 193,5 triệu USD; 190 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 1.991 triệu USD (trong đó 1 lượt giao dịch của nhà đầu tư Nhật Bản Sumitomo mua cổ phiếu của VPBank trên sàn giao dịch chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1.500 triệu USD).
Trước đó, trong nửa đầu năm, Hà Nội đã dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI với 2.265 triệu USD, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có 196 dự án mới với tổng vốn đầu tư đăng ký mới đạt 75,33 triệu USD; 89 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 209 triệu USD; 169 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 1.981 triệu USD.
Những dự án lớn đầu tư vào Hà Nội chủ yếu từ các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Mỹ, các nước Liên minh châu Âu (EU)..., tập trung vào các lĩnh vực như kinh doanh bất động sản; công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng; dịch vụ giải trí, lưu trú và ăn uống; y tế và giáo dục...
Thành phố đã xây dựng các chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư, đẩy mạnh hoàn thiện các khu công nghiệp, nhất là khu công nghệ cao. Vì vậy, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp FDI đầu tư tại Hà Nội đánh giá cao việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam nói chung, của Hà Nội nói riêng, đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển.
[Hà Nội: Thu hút vốn FDI dẫn đầu cả nước, vượt kết quả năm 2022]
Tuy nhiên, thu hút FDI của Hà Nội còn một số vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ.
Về quy hoạch, do thành phố đã thay đổi địa giới hành chính năm 2008, hiện nay đang điều chỉnh một số quy hoạch dẫn tới một số dự án đã được cấp phép chậm triển khai do phải điều chỉnh cho phù hợp quy hoạch.
Bên cạnh đó, những quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản... có những thay đổi, còn chồng chéo, chưa thống nhất, dẫn đến thời gian thực hiện chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án kéo dài; các khu, cụm công nghiệp mới được phê duyệt đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng... đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ còn rất hạn chế.
Thành phố chưa thu hút được các dự án FDI quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, có giá trị gia tăng cao.
Theo Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, hiện nay Hà Nội đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút hiệu quả nguồn vốn FDI với nhiều giải pháp. Ủy ban Nhân dân thành phố sẵn sàng đồng hành hơn nữa với các nhà đầu tư để xem xét giải quyết những khó khăn vướng mắc.
Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để trình Chính phủ, Quốc hội thông qua vào tháng 10/2023; phối hợp các bộ, ban, ngành hoàn thiện Luật Thủ đô để tăng tốc trong vấn đề phát triển, cũng như phát huy tiềm năng, lợi thế của mình, tạo mặt bằng sạch để thúc đẩy hình thành các khu công nghiệp.
Tiếp tục thành lập thêm các khu, cụm công nghiệp để thu hút FDI; rà soát, thúc đẩy tiến độ hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo hướng phù hợp nhu cầu thực tế.
Hiện nay, thành phố cũng đang chuẩn bị các điều kiện tiếp nhận quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; tập trung đẩy mạnh hạ tầng giao thông, trong đó có tuyến đường vành đai 4, hạ tầng điện lực, viễn thông, thông tin để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực phát triển đô thị, sản xuất, khoa học và công nghệ./.