Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều vụ tai nạn lao động chết người nhất

Trong liên tiếp hai năm 2014 và 2015, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số vụ tai nạn lao động chết người và số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều vụ tai nạn lao động chết người nhất ảnh 1Hiện trường vụ sập giàn giáo tại công trường đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh minh họa: Sơn Bách-Việt Phương/Vietnam+)

Trong liên tiếp hai năm 2014 và 2015, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số vụ tai nạn lao động chết người và số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất. Đồng Nai là địa phương có số vụ tai nạn lao động nhiều nhất.

Đây là thông tin được đưa ra tại họp báo về Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ lần thứ 18 năm 2016 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 4/3 tại Hà Nội.

Chỉ riêng trong năm 2015, cả nước đã xảy ra 7.620 vụ tai nạn lao động, làm 7.785 người bị nạn. Trong đó, có 629 vụ tai nạn lao động chết người; 79 vụ tai nạn lao động có hai người bị nạn trở lên; 66 người chết do tai nạn lao động... Số vụ tai nạn lao động tăng, số người chết do tai nạn lao động và số vụ cháy đều tăng.

Các địa phương để xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động chết người là: Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Long An, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hà Nội... Trong đó, Đồng Nai là địa phương thống kê được số vụ tai nạn lao động nhiều nhất với 2.230 vụ, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số vụ tai nạn lao động chết người cao nhất cả nước (105 người).

Qua phân tích từ 238 biên bản điều tra tai nạn lao động chết người, các yếu tố làm chết người nhiều nhất là: ngã từ trên cao xuống (chiếm 28,1% tổng số vụ tai nạn và 26,4% tổng số người chết); điện giật (chiếm 18,9% tổng số vụ và 17,2% tổng số người chết); vật rơi, đổ sập (chiếm 16,8% tổng số vụ và 22,6% tổng số người chết)... Nguyên nhân tai nạn lao động do người sử dụng lao động chiếm 52,8%, do người lao động chiếm 18,9% và nguyên nhân còn lại chiếm 18,3%. Thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra năm 2015 là 153,97 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản là 21,96 tỷ đồng.

Để tuyên truyền phòng chống tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra, Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ lần thứ 18 năm 2016 với chủ đề "Doanh nghiệp và người lao động tích cực chủ động thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình theo Luật An toàn, vệ sinh lao động" sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 26/3/2016.

Lễ phát động được tổ chức tại Trung tâm hội nghị tỉnh Hưng Yên sáng 20/3, với tinh thần đổi mới, tiết kiệm, hiệu quả, hướng tới những hoạt động cụ thể tại doanh nghiệp, cơ sở trong bối cảnh đang triển khai Luật An toàn vệ sinh lao động được Quốc hội thông qua tháng 6/2015 và có hiệu lực từ 1/7/2016.

Cùng với việc tổ chức Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng như: xây dựng, khai khoáng, hóa chất, sử dụng điện, đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục