Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn FDI

Thành phố Hồ Chí Minh tập trung mở rộng thị trường, tranh thủ vốn, công nghệ kiến thức quản lý, văn hóa doanh nghiệp của khu vực FDI.

Công nhân làm việc tại một công ty có vốn FDI. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Công nhân làm việc tại một công ty có vốn FDI. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh tập trung nâng cao tỷ trọng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có giá trị gia tăng cao, bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, có hiệu ứng lan tỏa FDI tích cực đối với khu vực kinh tế tư nhân và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn thành phố.

Đây là một trong những mục tiêu được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra trong Đề án nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn 2030 vừa ban hành.

Cùng với đó, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung vào những ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng nhiều tri thức, ít thâm dụng lao động, sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Thành phố cũng tập trung mở rộng thị trường, tranh thủ vốn, công nghệ kiến thức quản lý, văn hóa doanh nghiệp của khu vực FDI.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong thu hút, sử dụng dòng vốn FDI, tăng tỷ lệ đóng góp của khu vực FDI trong phát triển kinh tế-xã hội, tương ứng với những ưu đại, hỗ trợ được hưởng.

Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến cộng nghệ cao tăng 50%/năm.

Để thực hiện mục tiêu trên, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI trong giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Cụ thể, hoàn thiện quy hoạch phát triển các ngành, các lĩnh vực của thành phố, cải thiện cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư FDI.

Thành phố tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách để khuyến khích thu hút đầu tư FDI của thành phố; trong đó cải tổ toàn diện khung chính sách ưu đãi hiện hành và chuyển hướng sang ưu đãi dựa trên kết quả, hiệu quả công việc, hỗ trợ sau đầu tư cho các dự án đã hoàn thành; hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực mới cho thu hút và sử dụng FDI vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao.

Thành phố cũng rà soát, kiến nghị Trung ương các cơ chế, quy định còn vướng mắc, cần tháo gỡ nhằm thực thi các quy định pháp luật phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; trong đó rà soát tối đa các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh nhằm đảm bảo duy trì niềm tin và tăng cường đầu tư kinh doanh bền vững. Đặc biệt, Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế (thuế tối thiểu toàn cầu…). Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư FDI hướng vào các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia; đổi mới công tác xúc tiến đầu tư để thu hút FDI; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường trao đổi, đối thoại với các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong năm 2023, Tp. Hồ Chí Minh thu hút được gần 5,9 tỷ USD vốn đầu tư FDI, tăng gần 50% so với năm 2022. Trong số đó, thành phố có 1.202 dự án đầu tư được cấp mới, 296 dự án điều chỉnh vốn và 2.314 lượt góp vốn mua cổ phần.

Lũy kế từ ngày 1/1/1988 đến ngày 20/12/2023, trên địa bàn Thành phố có 12.300 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn hơn 57,25 tỷ USD (Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu về số dự án còn hiệu lực so với cả nước); 26.389 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 25,70 tỷ USD.

Tính chung giá trị vốn đầu tư nước ngoài cấp mới, vốn đầu tư tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp vào thành phố đạt hơn 82,95 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.