Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực đạt tăng trưởng kinh tế trên 10%

Với những số liệu sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ đạt được cho đến thời điểm hiện nay, khả năng tăng trưởng GDP của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2015 sẽ đạt trên 10%.
Một góc khu chế xuất Tân Thuận. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cho biết với những số liệu sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ đạt được cho đến thời điểm hiện nay, khả năng tăng trưởng GDP của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2015 sẽ đạt trên 10%, tăng hơn so với kế hoạch đề ra là tăng từ 9,5-10%.

Phát biểu tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế-văn hóa-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh 10 tháng và công tác trọng tâm tháng 11/2015, ngày 29/10, ông Lê Hoàng Quân cho rằng nền kinh tế thành phố thể hiện sự phát triển qua tổng thu ngân sách của thành phố cả năm nay dự kiến ước đạt trên 260.000 tỷ đồng, tăng 4.000 tỷ đồng so với dự toán ban đầu. Trong 10 tháng đầu năm nay, thành phố đã thu ngân sách đạt 225.972 tỷ đồng, bằng 85,2% kế hoạch năm.

Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh Sử Ngọc Anh cho hay, tính chung 10 tháng đầu năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố ước đạt hơn 550.100 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều đó góp phần cho tổng mức bán lẻ hàng của thành phố tăng cao có các mặt hàng ôtô tăng đến 98% và đá quý, kim loại tăng đến 31% so với cùng kỳ.

Về xuất nhập khẩu, trong 10 tháng năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 25,469 tỷ USD, giảm 3,8% so cùng kỳ. Nếu không tính dầu thô, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 22,11 tỷ USD, tăng 9,2% so cùng kỳ.

Đánh giá chung của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, bức tranh kinh tế thành phố đang tăng trưởng khả quan như hoạt động du lịch tiếp tục được đẩy mạnh, lượng khách quốc tế đến thành phố ước đạt hơn 3,63 triệu lượt khách, tăng 4,6% so cùng kỳ, đạt 77% kế hoạch năm. Tổng thu ngành du lịch trong 10 tháng ước đạt 75.645 tỷ đồng, tăng 5% so cùng kỳ.

Đặc biệt, quy mô sản xuất công nghiệp thành phố tiếp tục mở rộng, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp tiếp tục có bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng của ngành công nghiệp khai khoáng. Bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 7,9% so cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành.

Một điểm sáng khác của kinh tế thành phố là tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, đến ngày 20/10, thành phố có 464 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 2,43 tỷ USD, so với cùng kỳ tăng 39,8% về số dự án và giảm 8,7% về vốn.

Tính chung tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 3,08 tỷ USD, tăng 4,8% so cùng kỳ. Đặc biệt, vốn đầu tư của doanh nghiệp trong nước tăng 44,3%, huy động vốn trung và dài hạn các ngân hàng tăng 16,5% so với cuối năm 2014; lượng kiều hồi 10 tháng 2015 về thành phố đạt 3,7 tỷ USD…

Nhận định về tình hình kinh tế thành phố trong 10 tháng năm 2015, ông Trần Anh Tuấn, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, số vốn đầu tư tăng thêm trong 10 tháng trên phạm vi cả nước và trên địa bàn thành phố cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài lên môi trường kinh doanh tới.

Nhất là số doanh nghiệp thành lập mới ở thành phố chiếm tỷ trọng khá lớn so với cả nước cho thấy thành phố vẫn là nơi thu hút được nhiều nhà đầu tư trong nước, góp phần không nhỏ trong việc tạo ra việc làm mới cho người lao động.

Ngoài ra, số doanh nghiệp ngừng nghỉ giảm đến 14,3%, dư nợ tín dụng trung dài hạn lại tăng mạnh cho thấy lực hút cho đầu tư đang dần ổn định.

Để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội từ nay đến hết năm 2015 và tạo tiền đề cho năm 2016, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân đã yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương và doanh nghiệp thành phố từ nay đến cuối năm tăng cường thực hiện các biện pháp để đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; trong đó, tập trung thực hiện quyết liệt và hiệu quả về những giải pháp của thành phố về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Ngành ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện hơn nữa về lãi suất để các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận được nguồn vốn vay, đáp ứng cho nhu cầu vốn cho phục vụ cho đổi mới thiết bị, sản xuất và kinh doanh, đặc biệt là nhu cầu của các tháng cuối năm thường cao hơn nhiều so với các tháng khác trong năm.

Ông Lê Hoàng Quân lưu ý, từ đầu năm 2016 bắt đầu thực hiện Luật Đầu tư công nên các quận huyện, các sở ngành khi tham mưu các dự án đầu tư công phải siết chặt, rà soát kỹ và chịu trách nhiệm về việc đề xuất các dự án đầu tư công, tránh lãng phí hoặc cứ ghi vốn vào danh mục xong rồi để đó.

Đồng thời, rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách; đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông; tiếp tục hoàn thành các dự án chống ngập, ngăn triều...

Từ nay đến hết năm 2015, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đề ra nhiều nhóm giải pháp để tập trung hoàn thành việc thu, chi ngân sách; đảm bảo có hiệu quả, đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế-xã hội năm 2015 đã đề ra; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh; tăng cường tiếp xúc, nắm bắt khó khan, vướng mắc của doanh nghiệp, có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu để tăng năng suất, chất lượng hoạt động.

Thành phố tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, giữ vững thị trường truyền thống và đẩy mạnh tìm kiếm, phát triển thị trường xuất khẩu mới; kiểm soát hiệu quả việc nhập khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục