Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thành công 1 ca ghép tim và 2 ca ghép gan

Lần đầu tiên Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thành công kỹ thuật chia gan để ghép cho hai người bệnh, đồng thời thực hiện ca ghép tim xuyên Việt thành công.

Các bác sỹ Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành ghép gan cho người bệnh. (Ảnh: TTXVN phát)
Các bác sỹ Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành ghép gan cho người bệnh. (Ảnh: TTXVN phát)

Liên tiếp trong 3 ngày, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thành công 3 ca ghép tạng quan trọng. Đó là 1 ca ghép tim xuyên Việt với người hiến tạng chết não từ Hà Nội và 2 ca chia gan để ghép từ một lá gan của một người cho chết não khác tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Lần đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật chia gan để ghép

Vào ngày 22/8, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh nhận được thông báo từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia về một trường hợp bị tai nạn giao thông, chẩn đoán chết não có nguyện vọng hiến tạng.

Ngay sau đó, bệnh viện đã rà soát, phát hiện có 2 người bệnh phù hợp đang chờ ghép gan. Trong đó, người thứ nhất là người đàn ông 53 tuổi bị ung thư gan và xơ gan nặng do viêm gan B, đã tìm kiếm cơ hội ghép gan từ lâu nhưng chưa có ai phù hợp. Người bệnh thứ hai là một bé gái 1 tuổi ở Sóc Trăng, bị xơ gan ứ mật nguyên phát đang trong tình trạng nguy kịch.

“Ý thức được sự quý giá của lá gan từ người hiến tạng, đội ngũ y, bác sỹ của bệnh viện đã nghĩ đến giải pháp chia gan để ghép, nhằm cứu sống cả 2 người bệnh,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Sau khi hội chẩn và đưa ra kế hoạch phẫu thuật, êkíp bác sỹ Bệnh viện Đại học Y dược đã có mặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy - nơi có người chết não hiến tạng để tiến hành lấy tạng. Tiến sỹ, bác sỹ Trần Công Duy Long, Trưởng Đơn vị Ung thư gan mật và Ghép gan (Bệnh viện Đại học Y dược) cho biết lá gan gồm 2 phần phải và trái với cấu trúc mạch máu, ống mật riêng biệt nhưng kết nối với nhau.

Mặc dù khá phức tạp nhưng với sự tính toán và phẫu thuật khéo léo, lá gan sau khi lấy ra khỏi cơ thể người hiến tạng đã được tách đôi trên mâm phẫu thuật.

Đây là kỹ thuật lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Mảnh gan lớn hơn sẽ dành cho người bệnh nam lớn tuổi và mảnh nhỏ dành cho bé gái 1 tuổi nặng 7,2kg.

“Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo các mạch máu và ống mật của hai mảnh ghép phải thật tốt, phù hợp với người nhận tạng. Khoa học đã chứng minh rằng, các mảnh ghép này sẽ phát triển và lớn lên cùng cơ thể người nhận, giúp họ có một cuộc sống mới,” bác sỹ Trần Công Duy Long nhận định.

Khi êkíp bác sỹ đang lấy gan và chia gan ở Bệnh viện Chợ Rẫy thì một êkíp khác đồng thời tiến hành phẫu thuật cắt bỏ gan bệnh ở 2 người bệnh. Sau đó, quá trình ghép tạng được thực hiện đồng bộ và chính xác.

Khi 2 mảnh gan ghép được tái tưới máu đã nhanh chóng hồi phục chức năng, bắt đầu tiết ra những giọt mật đầu tiên, biểu hiện của sự sống trở lại trong cơ thể người bệnh. Đến ngày hôm sau, cả 2 người bệnh đều tỉnh táo, dần hồi phục.

Theo bác sỹ Trần Công Duy Long, Bệnh viện Đại học Y dược đã thực hiện thường quy kỹ thuật ghép gan cho người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, các ca ghép gan này đều là ghép từ người hiến sống. Đây là lần đầu tiên, đơn vị thực hiện kỹ thuật chia gan để ghép cho 2 người bệnh từ người cho chết não.

Chia gan để ghép là một kỹ thuật khó, đòi hỏi đội ngũ nhân viên y tế phải có kiến thức, kinh nghiệm và kỹ thuật cao. Thành công của kỹ thuật chia gan để ghép không chỉ giúp cứu sống 2 người bệnh mà còn góp phần giải quyết vấn đề khan hiếm tạng ghép hiện nay.

Xuyên đêm thực hiện ca ghép tim xuyên Việt cân não

Sau 2 ca ghép gan, ngày 24/8, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nhận thông tin về khả năng nhận được trái tim từ người bệnh có nguy cơ chết não từ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội).

ttxvn benh_vien_dai_hoc_y_duoc_tp_ho_chi_minh_thuc_hien_thanh_cong_ca_ghep_tim_va_gan2.jpg
Các bác sỹ Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành ghép tim cho người bệnh. (Ảnh: TTXVN phát)

Một êkíp gồm các phẫu thuật viên, chuyên gia và nhân viên công tác xã hội của bệnh viện đã được cử ra Hà Nội để tiếp nhận tạng. Phó Giáo sư-Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh đã trực tiếp có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tham gia phẫu thuật lấy tim.

Khoảng 20 giờ ngày 24/8, trái tim được lấy ra khỏi cơ thể người hiến, được bảo vệ nghiêm ngặt và hỗ trợ bởi hàng trăm y, bác sỹ, nhân viên y tế cùng sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban, ngành trong hành trình vận chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến 0 giờ ngày 25/8, trái tim được vận chuyển về đến Thành phố Hồ Chí Minh và được các bác sỹ tiến hành ghép ngay cho người bệnh để bảo tồn được món quà mà người chết não để lại. Khoảng 3 giờ sau, trái tim ghép đã đập những nhịp đập đầu tiên trong lồng ngực mới.

“Hơn 100 y, bác sỹ đều tập trung cao độ, từng phút, thậm chí từng giây đều được tính toán cẩn trọng. Chúng tôi rất vui mừng khi ca ghép đã thành công ngoài mong đợi,” bác sỹ Nguyễn Hoàng Định chia sẻ. Đến chiều 26/8, bệnh nhân đã được rút nội khí quản và tỉnh táo.

Trước đó, anh L.A.H (37 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai) được chẩn đoán mắc bệnh cơ tim giãn với chức năng tim rất kém, nếu không được ghép tim thì có khả năng sẽ tử vong.

Ông L.A.K (anh trai của người bệnh L.A.H) chia sẻ sau ca ghép tim: “Bệnh tình của em tôi rất nặng, đặc biệt là có nhóm máu hiếm làm khó khăn thêm trong việc tìm kiếm người hiến tim phù hợp. Gia đình luôn lo lắng và đã chuẩn bị tinh thần cho trường hợp xấu nhất. Nhưng thật sự kỳ diệu, em tôi đã được cứu sống. Gia đình không còn từ ngữ nào có thể diễn tả được niềm vui và sự biết ơn của chúng tôi”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Các bệnh nhi thích thú vui chơi tại “Không gian cho em 2”. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Mở rộng "cánh cửa" hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Sự phát triển của y tế hiện đại và sự hỗ trợ của xã hội đã mở ra nhiều hy vọng hơn cho bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện Trung ương Huế, theo đó, tỷ lệ mắc bệnh được cứu sống tăng mạnh trong 20 năm qua.