Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức bán hàng bình ổn đến khu công nghiệp

Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh hỗ trợ công nhân lao động và doanh nghiệp ổn định phát triển sản xuất ngay khi thành phố kiểm soát được dịch bệnh, nới lỏng giãn cách.
Công nhân, người lao động mua sắm ở điểm bán hàng lưu động, hàng bình ổn tại khu chế xuất Tân Thuận trước giờ khai trương. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 22/11, Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Hepza) phối hợp cùng Sở Công Thương Thành phố tổ chức điểm bán hàng lưu động, hàng bình ổn với hàng trăm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại Khu chế xuất Tân Thuận và trao tặng quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, đây là một trong những trọng tâm hoạt động của Hepza nhằm hỗ trợ công nhân lao động và doanh nghiệp ổn định phát triển sản xuất ngay khi thành phố kiểm soát được dịch bệnh, nới lỏng giãn cách với chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19."

Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, Hepza còn phối hợp với các ngân hàng thương mại và sở ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn; tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai các khu dân cư liền kề khu công nghiệp.

[Cung ứng hàng hóa ổn định trong tình hình mới tại thị trường phía Nam]

Điều này nhằm đẩy mạnh xây dựng nhà lưu trú, nhà ở xã hội cho người lao động; rà soát các trong khu chế xuất, khu công nghiệp có đủ điều kiện và cơ sở vật chất để thành lập các cơ sở cách ly tập trung; thành lập các trạm y tế lưu động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Xác định nhiệm vụ trọng tâm vừa thực hiện phòng, chống dịch, vừa tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, chăm lo đời sống người lao động, Hepza cùng với chính quyền địa phương, các ngành chức năng và doanh nghiệp tiến hành rà soát, lập danh sách người lao động để thực hiện tiêm đủ vaccine phòng dịch COVID-19 cho khoảng 6% công nhân còn lại.

Kết hợp cùng với Trung tâm dữ liệu Đại học Quốc gia đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng phần mềm quản lý lao động của các doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp.

“Trong số đó, chú trọng xây dựng các dữ liệu thông tin của doanh nghiệp, thông tin của người lao động, số liệu lao động của từng doanh nghiệp, nơi lưu trú của người lao động. Để trong trường hợp doanh nghiệp phát sinh ca F0 dễ dàng kiểm soát và thông tin đến các cơ quan có thẩm quyền phối hợp xử lý hay kết nối dữ liệu với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông trong việc kiểm soát dịch bệnh,” ông Hứa Quốc Hưng chia sẻ.

Về cải cách thủ tục hành chính, Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã điều chỉnh phần mềm và thành phần hồ sơ để ban hành dịch vụ công cấp độ 4 cho 20 thủ tục hành chính; kết hợp cùng ngành bưu điện để triển khai cho doanh nghiệp thực hiện; nhắn tin tự động qua điện thoại thông báo trả kết quả thu tục hành chính trước hạn nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian...

Ngoài ra, Hepza cũng đã triển khai hệ thống tiếp nhận phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn các khu chế xuất, khu công nghiệp; kết nối phần mềm ISO điện tử tại Ban Quản lý với phần mềm cấp giấy phép lao động nước ngoài của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và kết nối sử dụng phần mềm tiếp nhận, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tính đến thời điểm hiện tại, có trên 96% doanh nghiệp tại 17 khu chế xuất, khu công nghiệp đã hoạt động với hơn 230.500 người lao động, đạt tỷ lệ 80% đã trở lại làm việc.

Tỷ lệ công nhân lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc F0 đã khỏi bệnh đạt 94,4% cho thấy đã đủ điều kiện và đảm bảo nguồn nhân lực để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, phát triển doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục