Thanh tra dự án thu phí không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc

Số liệu mới nhất của Cục Đường bộ Việt Nam, cả nước đang có 155 trạm thu phí không dừng với 893 làn thu phí. Hiện 4,97 triệu ôtô (chiếm 96%) đã được dán thẻ và có tài khoản thu phí không dừng.
Một trạm thu phí ETC. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành quyết định số 35/QĐ-TTr về việc thanh tra dự án thu phí tự động không dừng (ETC) và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc, giai đoạn 1 áp dụng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và dự án thu phí tự động không dừng, giai đoạn 2.

Đoàn thanh tra có nhiệm vụ thanh tra các dự án thu phí tự động không dừng (ETC) và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc, giai đoạn 1 áp dụng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên do Công ty Cổ phần Tasco, Công ty Cổ phần VETC là chủ đầu tư, Công ty Trách nhiệm hữu hạn thu phí tự động VETC là doanh nghiệp dự án.

Tại dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 2, đoàn thanh tra có nhiệm vụ thanh tra các án thu phí tự động không dừng do Tập đoàn Công nghệ-Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghệ hạ tầng Vietin, Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong là nhà đầu tư, Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam là doanh nghiệp dự án.

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, dự án thu phí tự động không dừng chia làm hai giai đoạn; trong đó giai đoạn 1 (BOO1) do Công ty Trách nhiệm hữu hạn thu phí tự động không dừng VETC thực hiện. Giai đoạn 2 (BOO2) do Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam thực hiện.

Số liệu mới nhất của Cục Đường bộ Việt Nam, cả nước đang có 155 trạm thu phí không dừng với 893 làn thu phí. Hiện 4,97 triệu ôtô (chiếm 96%) đã được dán thẻ và có tài khoản thu phí không dừng.

Tuy nhiên, thời gian qua, một số trạm BOT triển khai thu phí không dừng vẫn gặp trục trặc do lỗi hệ thống. Điển hình, đầu tháng Tư vừa qua, hai trạm thu phí không dừng Bến Thủy và Bến Thủy 2 ở Nghệ An bị mất kết nối khiến hệ thống không thể tự động trừ tiền khi xe qua trạm.

Nhân viên trạm này phải nhập biển số xe thủ công và mở barrie cho xe qua, đồng thời trừ tiền trên hệ thống. Việc các xe dừng chờ nhập biển số gây ùn tắc tại trạm và tiềm ẩn nguy cơ thất thoát doanh thu của nhà đầu tư BOT.

Trước đó, để có cơ sở pháp lý triển khai thu phí không dừng, ngày 17/6/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg quy định về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.

Tại quyết định này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hệ thống thu phí điện tử không dừng phải được thiết kế, lắp đặt, xây dựng đồng bộ trên toàn quốc, bảo đảm vận hành liên tục, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả và an toàn.

Theo các chuyên gia kinh tế, thu phí tự động không dừng mang lại nhiều lợi tích. Thứ nhất, thể hiện sự phát triển của ngành giao thông Việt Nam là ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào tổ chức và quản lý, đưa hệ thống thông minh vào hoạt động, văn minh và tiện lợi. Thứ hai, đem lại sự thuận tiện cho người dân về thời gian, thuận tiện khi dừng đỗ các trạm, làm tốt vấn đề môi trường. Lợi ích tiếp theo là tiết kiệm thời gian, tránh ùn tắc giao thông trên các tuyến.

Phương tiện lưu thông qua một trạm thu phí tự động không dừng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Đặc biệt, khi thực hiện công nghệ thu phí không dừng sẽ công khai, minh bạch doanh thu, các cơ quan giám sát lẫn nhau như nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ, ngân hàng, cơ quan quản lý Nhà nước.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản yêu cầu triển khai thí điểm mô hình thiết kế hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) đối với các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1 (2017-2020) đối với 3 dự án thành phần được đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư) là Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm và Cam Lâm-Vĩnh Hảo.

Theo đó, trên cơ sở đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận nguyên tắc tiếp tục triển khai thí điểm mô hình đối với các dự án trên theo mô hình đầu vào không có barrie, đầu ra có barrie, không có làn thu phí hỗn hợp đã được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận cho dự án thành phần Nha Trang-Cam Lâm.

Từ những lợi ích của việc thu phí ETC mang lại, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng dịch vụ thu phí không dừng tại các trạm thu phí cảng hàng không, sân bay. Trước mắt, triển khai ngay tại các sân bay có lưu lượng lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay lượng phương tiện ra vào các sân bay rất lớn, trung bình mỗi ngày có khoảng 16.000-20.000 lượt xe qua trạm thu phí sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, cao gấp hơn 2 lần lượng phương tiện giao thông qua một trạm thu phí đường bộ. Trong khi đó, việc thu phí bằng thủ công thường xuyên gây ách tắc, bức xúc cho tài xế, hành khách, ảnh hưởng tới hình ảnh quốc gia khi các trạm thu phí sân bay là cửa ngõ đầu tiên đón khách quốc tế.

“Việc mở rộng dịch vụ thu phí không dừng tại các trạm thu phí cảng hàng không, sân bay giúp hiện đại hóa kết cấu hạ tầng hàng không, phù hợp với xu thế phát triển, tạo thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí, giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường, tăng tính công khai minh bạch, phù hợp với chủ trương của Nhà nước về hạn chế sử dụng tiền mặt,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục