Tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, nhiều bộ, ngành, địa phương đã nêu lên những đề xuất, góp phần hoàn thiện thể chế để xử lý những vấn đề đặt ra trong phòng, chống và khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19.
Tháo gỡ những điểm nghẽn
Một trong những nội dung cần tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật trong nhiệm kỳ 2021-2026 được Bộ Tư pháp nêu ra là hoàn thiện thể chế để xử lý những vấn đề đặt ra trong phòng, chống và khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, trong đó chú trọng các văn bản pháp luật cần được ban hành kịp thời để tháo gỡ những điểm nghẽn, kìm hãm sự phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Định hướng này cũng là sự cụ thể hóa những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển, để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch COVID -19 diễn biến phức tạp, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung.
Qua rà soát, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu cụ thể những vướng mắc, khó khăn do các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tế.
Các kiến nghị tập trung vào những lĩnh vực quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Việc sửa đổi, bổ sung những vướng mắc nêu trên liên quan đến 79 luật, 3 Nghị quyết của Quốc hội, 188 Nghị định, 20 Quyết định của Thủ tướng và 135 Thông tư thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 21 bộ, cơ quan ngang bộ.
Qua tổng hợp, rà soát, Văn phòng Chính phủ thấy cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung ngay để tháo gỡ vướng mắc quy định trong 29 luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 10 bộ.
Kịp thời tháo gỡ vướng mắc, huy động mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong điều kiện đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong Công điện 1079/CĐ-TTg gửi tới 10 Bộ trưởng: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Tài Nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Nội vụ, Thủ tướng yêu cầu cụ thể trong việc rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh.
Trong Công điện, Thủ tướng lưu ý các Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên các nguồn lực cho công tác rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình.
Các bộ, ngành cần tập trung cao nhất, đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung ngay các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, quản lý tài sản công, ngân sách nhà nước, thuế, phí, xây dựng... quy định tại 29 luật thuộc lĩnh vực quản lý của 10 bộ...
[Thủ tướng: Chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế]
Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội, Chính phủ ban hành và thực hiện nhiều giải pháp về chính sách thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển đầu tư, kinh doanh.
Đặc biệt, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp với bối cảnh, điều kiện của đất nước, đồng thời tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước theo chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế như gia hạn thời hạn nộp thuế, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.
Tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành thực hiện năm 2020 đạt khoảng 129 nghìn tỷ đồng.
Năm 2021, đã tiếp tục thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cũng như miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí với số tiền ước tính đến nay khoảng 118.000 tỷ đồng.
Hiện, Bộ Tài chính đang nghiên cứu đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định các giải pháp hỗ trợ tiếp theo.
Nâng cao hiệu quả công tác an sinh xã hội
Đánh giá về thực trạng thi hành chính sách, các quy định của pháp luật về an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang nhận định các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chính sách đối với người có công được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, đặc biệt việc thực hiện các chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 được thực hiện với nhiều kết quả tích cực.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang xác định 3 yêu cầu đặt ra đối với việc hoàn thiện các chính sách, quy định về an sinh xã hội. Đó là tiếp tục hoàn thiện các quy định bất cập và bổ sung các quy định còn thiếu trong pháp luật về an sinh xã hội với các trụ cột, như: Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm, Bộ luật Lao động để hỗ trợ người lao động thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường hoạt động tổng kết, đánh giá thực trạng thực hiện pháp luật về an sinh xã hội.
Trong xây dựng pháp luật về an sinh xã hội, cần tiếp tục tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế để áp dụng đối với Việt Nam.
Để nâng cao hiệu quả công tác an sinh xã hội, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang đưa ra 5 giải pháp: Tăng cường phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc quán triệt triển khai, lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, giám sát việc tổ chức thực hiện các chính sách, các quy định của pháp luật về an sinh xã hội của Trung ương và của tỉnh; đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, các quy định của pháp luật về an sinh xã hội, nhất là đối với nhóm các đối tượng hưởng các chính sách này để tự nâng cao khả năng tiếp cận chính sách, đồng thời phát huy vai trò và trách nhiệm của cá nhân, hộ gia đình, người lao động, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần xã hội hóa, khuyến khích, tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh.
Việc tổ chức thực hiện các chính sách, các quy định của pháp luật về an sinh xã hội phải đảm bảo đồng bộ và gắn liền với công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho đối tượng thụ hưởng các chính sách đảm bảo thuận lợi, công khai, minh bạch; chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác về an sinh xã hội.
Để tạo sự chuyển biến mang tính đột phá, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về an sinh xã hội, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, tổng kết, đánh giá thực hiện các chính sách an sinh xã hội; trên cơ sở đó, tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách pháp luật về nội dung này.../.