Trao đổi thông tin về hoạt động logistics (kho vận) xuyên biên giới, cập nhật những thủ tục mới nhất về thông quan điện tử, vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu là nội dung chính của cuộc hội thảo với chủ đề “Cơ hội hợp tác và kết nối doanh nghiệp logistics Việt Nam-Campuchia” diễn ra tại thủ đô Phnom Penh sáng 10/5.
Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, đây là cuộc hội thảo trực tiếp đầu tiên về lĩnh vực logistics được tổ chức giữa hai nước sau 2 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19. Những vấn đề thiết thực và cấp bách trong hoạt động vận tải hàng hóa, xuất nhập khẩu và thủ tục hải quan được thảo luận tại hội thảo đã thu hút sự quan tâm và tham gia ý kiến của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực của hai nước.
Hoạt động logistics qua lại biên giới Việt Nam-Campuchia, được coi như “mạch máu” trong hợp tác kinh tế, đang đóng vai trò then chốt cho việc phục hồi hoạt động kinh tế-xã hội, khắc phục những gián đoạn trong chuỗi cung ứng sau đại dịch COVID-19 giữa hai nước cũng như trong khu vực.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng cho rằng dù kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Campuchia vẫn tăng trưởng trong 2 năm qua (năm 2020 đạt trên 5 tỷ USD; năm 2021 trên 9,5 tỷ USD), nhưng để thúc đẩy tính hiệu quả, bền vững trong hoạt động thương mại, các cơ quan chức năng cùng giới doanh nghiệp hai nước cần cải thiện và thống nhất về các văn bản quy phạm liên quan; xử lý các vướng mắc thực tế xung quanh các quy định và chi phí hải quan với hàng hóa quá cảnh, tạm nhập tái xuất; các quy định về vận tải liên vận hai nước, đặc biệt là việc mở tờ khai tạm nhập tái xuất với tài xế và phương tiện tham gia vận tải liên vận.
[Chủ tịch nước: Việt Nam cần thúc đẩy làn sóng đầu tư mới vào Campuchia]
Liên quan tới thủ tục hải quan, một số doanh nghiệp logistics nhấn mạnh sự cần thiết của việc xem xét cắt giảm/giảm thời gian cho các quy trình như phê duyệt hải quan (Customs Approval); Tham vấn giá (Customs Evaluation); phê duyệt C/O (Chứng nhận xuất xứ); hoặc chấp nhận bản scan chứng từ khi thông quan và được phòng hải quan (Customs House) tại Phnom Penh thông qua (do hiện tại chỉ chấp nhận bản gốc và buộc gửi từ Phnom Penh đến nơi thông quan).
Không ít ý kiến doanh nghiệp nêu vấn đề cần giảm thời gian thông quan tại cảng/biên giới, đặc biệt là việc tháo gỡ khó khăn cho những lô hàng máy móc tạm nhập vào Campuchia để thi công dự án sau đó tái xuất về Việt Nam.
Trước ý kiến về việc Campuchia nên tăng cường cải thiện hạ tầng, đặc biệt là các tuyến đường chính từ cửa khẩu Bavet (tỉnh Svay Rieng) đi thủ đô Phnom Penh, Tổng cục trưởng Tổng cục Logistics, Bộ Giao thông Công chính Campuchia, ông Chhieng Pich đã có phản hồi bằng việc thông tin chi tiết kế hoạch xây dựng đường cao tốc Bavet-Phnom Penh.
Đây là tuyến hành lang kinh tế trọng yếu thứ hai của Campuchia (sau tuyến Preah Sihanouk-Phnom Penh sắp khánh thành). Ngoài đường cao tốc, Bộ Giao thông Công chính Campuchia cũng đang nghiên cứu khả thi xây dựng tuyến đường sắt Phnom Penh-Bavet-Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tiết giảm chi phí vận tải hàng hóa.
Cũng tại buổi Hội thảo do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương Việt Nam) phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, Tổng cục Dịch vụ hỗ trợ thương mại (Bộ Thương mại Campuchia) và Tổng cục Logistics (Bộ Giao thông Công chính Campuchia) phối hợp tổ chức, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi nhiều ý kiến, đánh giá hiện trạng, các vướng mắc và cùng tìm giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của hai nước.
Nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm tại thị trường Campuchia; tăng cường phối hợp xúc tiến thương mại, truyền thông và đặc biệt là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) logistics hai nước giao lưu, tiếp cận với đại diện các doanh nghiệp thương mại điện tử, doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng./.