Tháo gỡ khó khăn cho xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới

Hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã có những chuyển biến bước đầu nhưng vẫn chưa đạt được như mong muốn và yêu cầu đề ra.
Tháo gỡ khó khăn cho xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới ảnh 1Nhập mô tả cho ảnhXe chờ thông quan hàng hóa tại bãi xe cửa khẩu Tân Thanh. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 08/TB-VPCP ngày 10/1/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp trực tuyến về tình hình xử lý hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Thông báo nêu: Để thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã sớm có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương từ tháng 9/2021 (Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021); tiếp đó, ngày 27/12/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì họp với các bộ, ngành và các địa phương để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía Bắc (Thông báo số 350/TB-VPCP).

Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao (đặc biệt là các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Tài chính-Tổng cục Hải quan, Ủy ban Nhân dân các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh).

Đến ngày 8/1/2022, tổng số lượng xe tồn tại các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc là: 3.609 xe, giảm 2.150 xe (so với thời điểm ngày 25/12/2021 là 5.759 xe), trong đó, tại tỉnh Lạng Sơn còn tồn 2.015 xe (giảm 2.189 xe), tại tỉnh Quảng Ninh còn tồn 1.260 xe (giảm 295 xe). Số lượng xe giảm phần lớn là chuyển tiêu thụ nội địa và một phần chuyển sang xuất khẩu chính ngạch qua cửa khẩu Hữu Nghị, một phần chuyển qua xuất khẩu theo đường biển. Mặc dù các tỉnh biên giới đã liên tục khuyến cáo nhưng rải rác vẫn còn tình trạng tiếp tục đưa nông sản (chủ yếu là dưa hấu) lên cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), trung bình khoảng 10 xe/ngày.

Nhìn chung, hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã có những chuyển biến bước đầu nhưng vẫn chưa đạt được như mong muốn và yêu cầu đề ra. Khó khăn và rủi ro vẫn có thể phát sinh trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường cả trước mắt và lâu dài.

Trên tinh thần hỗ trợ tối đa để giảm bớt thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp, bằng các cơ chế chính sách, bằng chỉ đạo điều hành và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp.

Trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương biên giới giáp Trung Quốc, các Bộ: Công Thương, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức các hoạt động ngoại giao tương ứng với cơ quan chức năng của Trung Quốc (trao đổi trực tiếp, điện đàm, gửi công thư, công hàm…) để tạo điều kiện, thống nhất thời gian mở cửa; tăng thời gian làm việc tại khu vực cửa khẩu; mở lại một số cửa khẩu đã đóng.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) khẩn trương có hướng dẫn cụ thể các quy định, tiêu chuẩn về điều kiện y tế phòng, chống dịch COVID-19 hài hòa với phía Trung Quốc (về tiêm vaccine, xét nghiệm, khử khuẩn…) tại khu vực cửa khẩu biên giới các tỉnh phía Bắc, nhất là Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh chủ động, quyết liệt hơn trong việc điều phối và chỉ đạo các lực lượng chức năng thông báo, quản lý phương tiện đưa hàng lên cửa khẩu biên giới, giảm thiểu ngay tình trạng ùn tắc.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, thương lái điều phối đưa nông sản đang ùn tắc để tiêu thụ, làm nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất, chế biến trong nước.

[Sớm khắc phục ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc]

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ để có giải pháp tiêu thụ hàng hóa gặp khó khăn trong xuất khẩu.

Về lâu dài, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan rà soát lại hình thức, chính sách và kiểm soát chặt chẽ hoạt động trao đổi cư dân biên giới, đưa hình thức trao đổi cư dân về đúng bản chất để tăng tỷ lệ xuất khẩu chính ngạch nhằm tận dụng các phương thức vận tải khác như đường biển, đường sắt.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng tổng thể quy hoạch vùng trồng và sản xuất nông, thủy sản; bảo đảm đầy đủ các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng hàng hóa; đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa phương thức vận chuyển, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cũng như sự phụ thuộc vào hình thức xuất khẩu “tiểu ngạch.”

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao trao đổi với các thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam (EU, Mỹ,…) để tháo gỡ khó khăn trong thời điểm hiện nay và các mặt hàng trái cây khi vào chính vụ thu hoạch tới đây.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tiếp tục định hướng báo chí đưa tin đầy đủ khách quan về sự chủ động chỉ đạo từ sớm của lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành, đặc biệt là các địa phương biên giới về những biện pháp, giải pháp khắc phục tình trạng ùn tắc, để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ không tiếp tục đưa hàng lên biên giới trong thời điểm hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.