Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh

Các đại biểu cho rằng việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư..., góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ảnh 1Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vũ Tiến Lộc phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, sáng 10/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu tán thành với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đồng thời nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến trong phiên thảo luận là việc sửa đổi, bổ sung điểm c, khoản 1, Điều 75 Luật Đầu tư (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở).

Dự thảo Luật quy định hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại là nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai (trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật): có quyền sử dụng đất ở hợp pháp; có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác không phải là đất ở; có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở.

Phân tích việc sửa đổi này sẽ mở rộng quyền cho các chủ sử dụng đất hợp pháp, giải quyết nhanh việc công nhận chủ đầu tư nhưng đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng hậu quả có thể gây ra thất thoát. Theo đại biểu, khi được công nhận chủ đầu tư và được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, người sử dụng đất chỉ cần trả tiền theo quy định của luật hiện nay là lấy giá đất quy định trong bảng giá nhân với hệ số K.

Đại biểu dẫn chứng: “Dù có chuyển đổi đất giữa Bờ Hồ (Hà Nội) hay trên đường Nguyễn Huệ (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng chỉ 312 triệu đồng/m2. Rõ ràng, điều này sẽ gây thất thoát lớn nguồn lực của Nhà nước," từ đó đề nghị cân nhắc vấn đề này, nếu sửa, phải ghi cụ thể tính tiền đất theo giá thị trường.

Đánh giá cao việc Chính phủ nhận diện vướng mắc và đề xuất sửa đổi khoản 1, Điều 23, Luật Nhà ở, tuy nhiên, đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cho rằng vấn đề này không đơn giản, cần xem xét thấu đáo, đánh giá kỹ tác động, nhất là những tiêu cực có thể xảy ra.

“Quy định trên dẫn đến chênh lệch địa tô cơ bản thuộc về chủ dự án là không hợp lý. Đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước cho phép chuyển đổi làm cho giá trị đất tăng lên rất lớn thì chênh lệch địa tô cơ bản phải thuộc Nhà nước, thuộc về nhân dân. Sửa theo hướng trên có thể giải thoát cho dự án nhưng lợi cho chủ dự án, cho người gom đất, còn Nhà nước sẽ “chảy máu” nguồn lực đất đai," đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu đánh giá tác động, xử lý cho được chênh lệch địa tô trong Luật Đất đai để tháo gỡ vướng mắc và phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển đất nước, đảm bảo hài hoà lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, người sử dụng đất.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về những nội dung cụ thể của dự án Luật, như: Việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương; việc giải ngân vốn đầu tư công khi sửa đổi một số nội dung của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị, dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, quy mô dân số thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; việc bổ sung hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư...

[Kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV: Thảo luận hai nội dung quan trọng]

Thảo luận trực tuyến về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 vào chiều 10/1, các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết đầu tư Dự án nhằm cụ thể hóa Kết luận số 11-KL/TW của Hội nghị Trung ương khóa XIII, Nghị quyết số 16/2021/QH15 của Quốc hội, trong đó xác định "Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông."

Theo Tờ trình của Chính phủ, với vai trò là trục xương sống, dự án đặc biệt quan trọng của đất nước, để triển khai thành công và sớm hoàn thành theo Kết luận số 18-KL/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ kiến nghị triển khai theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước. Đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư cho kết cấu hạ tầng.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng thị trường vốn còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa thông qua thị trường vốn để huy động vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng mà chủ yếu là huy động vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, trong khi khả năng các ngân hàng thương mại cho các nhà đầu tư vay vốn để thực hiện Dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là rất thấp. Do đó, việc Chính phủ đề xuất đầu tư Dự án theo hình thức đầu tư công là có cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đánh giá Tờ trình của Chính phủ đã phân tích, lý giải việc chọn hình thức đầu tư công trên cơ sở những kinh nghiệm rút ra từ triển khai thực hiện từ giai đoạn trước. Bên cạnh đó, với tính cấp bách của dự án trong tổ chức thực hiện, sự cần thiết đầu tư theo hình thức này là đúng. Mặc dù Nhà nước đã dùng ngân sách để đầu tư nhưng Chính phủ đã đưa ra giải pháp thu hồi vốn bằng cách sau khi dự án hoàn thành sẽ tổ chức chuyển nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn. Đây là một hình thức xã hội hóa trong đầu tư.

Đại biểu cho rằng phương án Chính phủ đưa ra là phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đảm bảo minh bạch trong tổ chức thực hiện để không thất thoát nguồn lực đầu tư của Nhà nước.

Cũng quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng nên đầu tư công toàn bộ dự án vì dự án có mức tổng đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài nên kêu gọi đầu tư PPP trong thời điểm hiện nay sẽ rất khó cho nhà đầu tư. Nếu tiếp tục kêu gọi sẽ kéo dài thời gian, khó hoàn thành mục tiêu dự án đề ra. Nếu không kêu gọi thì lại không đúng theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội về xã hội hóa trong kế hoạch đầu tư.

Để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, việc Chính phủ đề xuất triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần; sau khi hoàn thành nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn cho Nhà nước là ý tưởng có thể làm được dù chưa có tiền lệ, chưa có cơ chế về chính sách này. Do vậy đại biểu đề nghị Quốc hội đồng tình để Chính phủ triển khai thực hiện, qua đó các bộ, ngành chuẩn bị hồ sơ, thủ tục cần thiết để triển khai ngay nhưng với điều kiện các dự án này chủ đầu tư chuyển nhượng phải thực hiện thu phí không dừng.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ảnh 2Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Trên cơ sở đề nghị Chính phủ làm rõ khả năng cân đối vốn theo phân kỳ đầu tư, tiến độ thực hiện dự án theo khoản 3, Điều 18 Luật Đầu tư công, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) nêu rõ cần có phương án cụ thể, cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện thu phí, chuyển nhượng quyền thu phí đảm bảo tính khả thi, minh bạch, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước, khả năng cân đối vốn.

Theo đại biểu, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã phân bổ cho nhiều dự án giao thông đường bộ đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có dự án này. Trường hợp dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, đặc biệt là khả năng gây hiệu ứng lấn át khi tăng trưởng quá mức đầu tư công và nợ công đối với nền kinh tế.

Chính phủ cần rà soát kỹ, hoàn tất các thủ tục về cấp phép, khai thác mỏ mới, gia hạn, nâng công suất với các mỏ, quản lý giá vật liệu, giảm thiểu tác động đến môi trường, đời sống dân sinh trong quá trình khai thác và cung cấp vật liệu xây dựng.

Một số đại biểu nhấn mạnh Chính phủ cần khẩn trương rà soát, xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế hiện nay đối với loại hình đầu tư theo phương thức PPP để tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông khác theo phương thức đầu tư này, bảo đảm thực hiện thành công chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội về việc thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về: phạm vi đầu tư; sự phù hợp của dự án đối với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch có liên quan; về phương án thiết kế sơ bộ và lựa chọn công nghệ chính; thời gian thực hiện dự án; phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư; về hình thức đầu tư; về nguồn vốn và giải ngân vốn; về thu hồi vốn đầu tư; phương án phân chia các dự án thành phần; về tiến độ hoàn thành; về cơ chế, chính sách triển khai đầu tư dự án; về tính kết nối của dự án; chỉ đạo triển khai thực hiện dự án.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.