Sau khi ban hành dự thảo Quy hoạch điện VIII để xin ý kiến các bộ ngành, cơ quan chuyên môn, Bộ Công Thương đang thẩm định, hoàn thiện toàn bộ nội dung đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
Theo Bộ này, hiện còn nhiều điểm vướng mắc về phụ tải, truyền tải hay vấn đề về nguồn điện gây khó khăn cho Ban soạn thảo.
Khó dự báo diễn biến phụ tải
Theo rà soát của Bộ Công Thương về hệ thống điện và tại Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, do tính chất địa lý, sự phát triển kinh tế-xã hội giữa các vùng khác nhau nên nhìn chung, tiêu thụ điện có nhiều khác biệt. Phụ tải tập trung chủ yếu ở miền Bắc và miền Nam trong khi miền Trung phụ tải khá thấp.
Thống kê cho thấy về công suất cực đại năm 2020, trên cả nước là hơn 38.000 MW, trong đó miền Nam khoảng hơn 17.300 MW. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy do dịch bệnh COVID-19, nhiều nhà máy đóng cửa, ngừng sản xuất, tiêu thụ điện đã giảm mạnh.
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay trên quy mô toàn quốc, tính trung bình ngày trong 2 tuần đầu tháng 9 mức công suất đỉnh của toàn quốc là hơn 29.700 MW, sản lượng toàn hệ thống điện quốc gia là 624,3 triệu kWh/ngày.
Như vậy, căn cứ với số liệu thống kê thì mức tiêu thụ điện toàn quốc trong 2 tuần đầu tháng 9 vừa qua đã thấp hơn 24% so với trước khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội diện rộng từ giữa tháng 7; đồng thời, cũng thấp hơn 15% so với cùng kỳ năm 2020.
Đối với riêng khu vực miền Nam, trung bình ngày trong 2 tuần đầu tháng Chín thì mức công suất đỉnh của toàn miền Nam là gần 12.200 MW, sản lượng toàn hệ thống điện miền Nam là 243 triệu kWh/ngày.
Căn cứ với số liệu thống kê thì mức tiêu thụ điện toàn miền Nam trong 2 tuần đầu tháng Chín vừa qua đã thấp hơn tới 29% so với trước khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội từ giữa tháng Bảy, đồng thời cũng thấp hơn 23% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Bộ Công Thương, dịch COVID-19 bùng phát đã làm chậm lại sự phát triển phụ tải trong 2 năm vừa qua. Quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam hiện đang đứng trước nhiều biến động, phụ thuộc vào các vấn đề địa-chính trị phức tạp đang diễn ra trên thế giới và trong khu vực cũng như tốc độ phục hồi của nền kinh tế thế giới và khu vực. Chính vì vậy, việc dự báo sát diễn biến tăng trưởng phụ tải phục vụ cho Quy hoạch điện VIII trong thời gian tới đặt ra rất nhiều khó khăn.
Hạn chế truyền tải liên miền
Trong giai đoạn vừa qua, miền Bắc có xu hướng tăng dần tỷ trọng tiêu thụ điện, chiếm 38,8% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc vào năm 2010 nhưng tăng dần lên tới 44,1% vào năm 2020. Trong khi đó, miền Nam có xu hướng giảm dần tỷ trọng tiêu thụ điện, chiếm 51,4% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc quốc vào năm 2010 nhưng giảm dần xuống còn 47% năm 2020.
Theo kết quả tính toán ở kịch bản cơ sở, xu hướng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc tăng dần theo thời gian, đạt khoảng 11,5 tỷ kWh vào năm 2030 và tăng dần tới 20,62 tỷ kWh vào năm 2045. Miền Trung cũng truyền tải điện vào miền Nam với sản lượng cao nhất là 25 tỷ kWh vào năm 2035 và bắt đầu có xu hướng giảm sau đó.
Đánh giá của Bộ Công Thương về Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh cho hay tổng công suất nguồn điện hiện tại cơ bản đáp ứng được nhu cầu phụ tải điện. Tuy nhiên, tình trạng chậm tiến độ của nhiều nhà máy nhiệt điện than khu vực miền Bắc và miền Nam, trong khi số dự án điện Mặt Trời được bổ sung quy hoạch tại miền Trung và miền Nam khá lớn đã làm cho tình trạng mất cân bằng cung-cầu điện xuất hiện ở cả 3 miền.
Việc chậm tiến độ này khiến miền Bắc trong tình trạng thiếu hụt nguồn cấp, không tự đảm bảo cấp điện cho phụ tải miền Bắc vào các giờ cao điểm và phải nhận điện từ khu vực miền Trung và miền Nam với sản lượng lớn để đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó, lưới điện liên kết miền Bắc và miền Trung bị giới hạn bởi khả năng truyền tải của lưới 500 kV, nếu không được bổ sung các nguồn mới, nguy cơ cắt giảm phụ tải vào các giờ cao điểm sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.
[Tỷ trọng điện gió, điện Mặt Trời của Việt Nam tăng nhanh nhất khu vực]
Trong khi đó, ở miền Trung và miền Nam, việc đưa vào nhiều nhà máy điện Mặt Trời (phụ thuộc vào thời tiết) thời gian qua dẫn tới khu vực này có mức dự phòng nguồn điện khá lớn. Để đảm bảo vận hành hệ thống điện ổn định, ngoài việc cắt giảm công suất các nhà máy này thì còn phải cắt giảm công suất phát của các nguồn điện truyền thống để tránh tình trạng quá tải lưới điện.
Với những khó khăn trên, việc rà soát của Bộ Công Thương là bố trí các nguồn điện trên quan điểm đảm bảo cao nhất khả năng tự cân đối nội vùng và nội miền, tránh truyền tải xa; khai thác tối đa khả năng truyền tải hiện có và không xây dựng thêm các đường dây truyền tải liên miền trong giai đoạn 2021-2030; hạn chế xây dựng mới các đường dây truyền tải điện liên miền giai đoạn 2031-2045.
Ngoài ra, việc hạn chế xây dựng đường dây truyền tải cũng giúp giảm quỹ đất, đặc biệt là các khu vực có chiều rộng nhỏ từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế…
Theo Bộ Công Thương, việc tiếp tục đưa vào các dự án nhiệt điện than, chủ yếu tại miền Bắc và giảm công suất năng lượng tái tạo tại tờ trình mới đây, so với bản tờ trình cũ hồi tháng 3/2021 cùng vì để khắc phục những hạn chế trên.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, quan điểm cân đối vùng miền, hạn chế truyền tải liên miền và kiên quyết không xây dựng thêm bất kỳ đường dây truyền tải liên kết miền nào đã được Bộ tuân thủ nghiêm túc. Chính vì vậy, một số nguồn điện có vai trò chạy nền đã được bổ sung cho khu vực miền Bắc nhằm tăng cường khả năng cân bằng nội miền trong khi một số loại hình nguồn điện tại khu vực miền Trung và miền Nam đã được xem xét hạn chế tối đa việc truyền tải qua các lát cắt 500kV từ miền Trung vào miền Nam và từ miền Trung ra miền Bắc.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho biết Bộ Công Thương đã có lý khi quyết định hạn chế truyền tải liên miền và quan điểm không xây dựng thêm bất kỳ đường dây truyền tải liên kết miền nào trong lần rà soát vừa qua.
Thực tế, để xây dựng được một đường dây truyền tải, ngoài việc phải tốn lượng vốn rất lớn, thì những khó khăn khác như giải phóng mặt bằng, chiếm diện tích đất, thời gian xây dựng kéo dài…
Ông Ngãi cho rằng để đảm bảo truyền tải nội miền, sẽ chưa thể bỏ ngay điện than bởi đây là nguồn điện quan trọng trong đảm bảo cung ứng điện, đáp ứng nhu cầu điện giá rẻ, tối ưu trong vận hành.
Cân bằng loại hình nguồn điện
Bộ Công Thương cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn năng lượng tái tạo và lợi ích mang lại trực tiếp cho các địa phương khi phát triển năng lượng tái tạo đã dẫn tới khối lượng các dự án năng lượng tái tạo vượt xa rất nhiều so với Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh.
Cụ thể, Quy hoạch điện VII đặt ra công suất điện mặt trời 850 MW vào năm 2020, khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030. Nhưng hiện nay, công suất điện Mặt Trời đã vượt 16.500 MW, tập trung chủ yếu ở miền Trung, miền Nam. Đây là một trong những khó khăn rất lớn trong quá trình đề xuất chương trình phát triển điện lực nhằm đáp ứng đa mục tiêu cũng như đáp ứng khả năng khai thác tối đa các nguồn năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng nhưng phải phù hợp với đặc điểm vận hành hệ thống điện của Việt Nam, phải đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa các miền; đồng thời hạn chế tối đa truyền tải liên miền gây lãng phí, đảm bảo chi phí hệ thống tối thiểu…
Cũng theo Bộ Công Thương, các dự án nhiệt điện than đang tiếp tục triển khai là những dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, được Bộ Công Thương đánh giá tính khả thi cao sẽ được kế thừa trong Quy hoạch điện VIII.
Cụ thể, tổng công suất đặt các nguồn điện than trong phương án phụ tải cơ sở năm 2030 là 40.700 GW, thấp hơn so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh khoảng 15.000 MW. Nhiều nhà máy điện than trên toàn quốc đã không được xem xét để phát triển trong thời gian tới tại các khu vực như Hải Phòng, Quảng Ninh, Long An, Bạc Liêu, Tân Phước… và được thay thế bằng các nguồn điện khí dầu hóa lỏng (LNG) thân thiện hơn với môi trường.
Chính vì vậy, tỷ trọng các nhà máy nhiệt điện than chỉ chiếm khoảng 31% vào năm 2030 trong kịch bản phụ tải cơ sở và khoảng 28% với kịch bản phụ tải cao.
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ điện ở miền Bắc sẽ tăng nhanh.
Do đó, miền Bắc cần chủ động xây dựng thêm các nguồn điện để đảm bảo cân đối nguồn điện và truyền tải điện trong từng miền, hạn chế tối thiểu nhận điện từ miền Trung. Khi đã phát triển nguồn điện cho miền Bắc đủ, công suất của miền Trung đẩy ra miền Bắc giảm, dẫn tới công suất nguồn điện năng lượng tái tạo ở miền Trung sẽ giảm. Điều này cũng đảm bảo yêu cầu rà soát của Chính phủ về đầu tư nguồn điện hợp lý, tránh đầu tư lãng phí, cân đối theo vùng miền, đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy.
Trên cơ sở dữ liệu hiện có, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương để xem xét đưa vào tính toán với mục tiêu khai thác tối đa các nguồn điện do các địa phương đề xuất nhằm bổ sung phát triển các nguồn điện mới trong thời gian tới với quy tắc chi phí hệ thống tối thiểu, giảm thiểu tối đa nguồn vốn đầu tư.
Việc này cũng đảm bảo tuân thủ Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.