Thảo luận dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Giá (sửa đổi)

Ngày 11/11, ngày làm việc thứ 19 của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và dự án Luật Giá (sửa đổi).
Thảo luận dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Giá (sửa đổi) ảnh 1Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, chiều 10/11/2022. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 11/11, Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 19 của Kỳ họp thứ 4.

Trong phiên làm việc sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Sau đó, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có 8 chương và 57 điều, trong đó các nội dung sửa đổi, bổ sung bám theo 9 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP. Theo đó, Luật sửa đổi có một số điểm mới so với Luật hiện hành như chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu; giá trị pháp lý của chứng thư điện tử; chuyển nhượng chứng thư điện tử; yêu cầu đối với lưu trữ, xử lý chứng thư điện tử; chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; sử dụng chữ ký điện tử dùng riêng…

Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giá (sửa đổi).

[Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền]

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Việc xây dựng dự án Luật nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật về giá, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới; khắc phục những tồn tại, hạn chế sau 9 năm thi hành Luật, nhất là sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Giá với các luật chuyên ngành; hạn chế sự phân tán, thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về giá. Đồng thời, việc xây dựng dự án Luật sẽ đáp ứng các yêu cầu về tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.

Liên quan đến chính sách về bình ổn giá, dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và giao Chính phủ quy định chi tiết (Điều 19) để bảo đảm tính linh hoạt trong thực hiện.

Đồng thời, Điều 20 đã cụ thể hóa dấu hiệu để nhận diện các trường hợp áp dụng bình ổn giá; quy định cơ chế để xử lý tình huống hàng hóa, dịch vụ cần bình ổn nhưng chưa có trong danh mục để áp dụng trong các trường hợp công bố tình trạng khẩn cấp, công bố dịch, thiệt hại do thiên tai.

Các biện pháp bình ổn giá cơ bản được kế thừa như Luật hiện hành, tuy nhiên có điều chỉnh theo nội dung chính sách. Trong đó, điều chỉnh gộp biện pháp đăng ký giá vào nội hàm biện pháp kê khai giá; điều chỉnh đưa biện pháp kiểm tra yếu tố hình thành giá để quy định một điều riêng, trở thành một khâu trong quy trình bình ổn giá; đưa biện pháp lập quỹ bình ổn giá trong nhóm biện pháp bình ổn giá có thời hạn để quy định một điều riêng (Điều 22)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục