Hy vọng chấm dứt thế bế tắc chính trị nghiêm trọng nhất tại Đức kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ Hai đã hé mở với việc liên đảng Liên minh Dân chủ/ Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đạt được thỏa thuận mang tính “đột phá” về việc đàm phán thành lập liên minh chính thức.
Sau 5 ngày thương lượng căng thẳng, đặc biệt là ngày cuối cùng đàm phán “xuyên đêm,” một bản thỏa thuận dài 28 trang đã được CDU/CSU và SPD thông qua, vạch ra nguyên tắc cơ bản và lộ trình đàm phán chính thức.
Động thái này đã tạm tháo ngòi nổ cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng từng đẩy nước Đức vào một giai đoạn bất ổn sau khi vòng thương lượng đầu tiên về thành lập “liên minh Jamaica” thất bại hồi cuối năm ngoái.
Các nhà thương lượng của CDU/CSU và SPD đã cùng nhau đề ra được các mục tiêu chính sách cho nhiệm kỳ thủ tướng lần thứ tư liên tiếp của bà Angela Merkel, làm cơ sở cho các cuộc đàm phán chính thức sẽ bắt đầu trong vài tuần tới.
Một trong những điểm nhấn của thỏa thuận vừa đạt được giữa CDU/CSU và SPD là việc Đức sẽ hợp tác chặt chẽ với Pháp trong nỗ lực cải cách châu Âu, củng cố và tăng cường sức mạnh của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhằm ứng phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Bất chấp sự chia rẽ và khác biệt giữa các chính đảng từng bộc lộ rõ trên chính trường Đức sau cuộc bầu cử hồi tháng Chín năm ngoái, vai trò và vị trí đầu tàu của Đức đối với EU, trong bối cảnh toàn EU cũng đang cần sự lãnh đạo của Berlin để vượt qua hàng loạt những thử thách hiện nay, là yếu tố quan trọng khiến CDU/CSU và SPD phải tiến tới một thỏa hiệp cần thiết.
Kết quả này là tin vui không chỉ với riêng cá nhân Thủ tướng Đức Angela Merkel mà với cả người dân Đức, cũng như với cả châu Âu.
[Bà Merkel lên tiếng sau khi đạt thỏa thuận với SPD về lập chính phủ]
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều bày tỏ hài lòng về kết quả vòng đàm phán thăm dò thành lập chính phủ liên minh tại Đức.
Điều này cho thấy một nước Đức ổn định dựa trên một chính phủ ổn định đóng vai trò rất quan trọng đối với châu Âu, đặc biệt là công cuộc cải cách Liên minh châu Âu (EU) do Pháp khởi xướng.
Tin vui đến với bà Merkel gần như cùng thời điểm Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế đầu tàu châu Âu đạt 2,2% trong năm ngoái - cao nhất kể từ năm 2011, xuất khẩu tăng 4,7% so với mức tăng 2,6% trong năm 2016 và thặng dư ngân sách đạt 38,4 tỷ euro - tương đương 1,2% GDP.
Dù thế giới có rất nhiều biến động và chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump thực thi chính sách bảo hộ thương mại, kinh tế Đức vẫn đạt được những chỉ số ngoạn mục.
Kinh tế là điểm sáng giúp liên đảng CDU/CSU về nhất trong cuộc bầu cử quốc hội liên bang hôm 24/9 vừa qua, trong bối cảnh chính phủ “đại liên minh” chịu tổn thất uy tín nặng nề do những chính sách của bà Merkel về vấn đề người tị nạn. Đây cũng sẽ là lợi thế của bà Merkel trong cuộc đàm phán sắp tới.
Với việc vượt qua vòng đàm phán thăm dò và bước vào đàm phán chính thức về thành lập liên minh, CDU/CSU đã bước đầu thành công trong việc thuyết phục đối tác quen thuộc SPD một lần nữa “chung lưng đấu cật” trong một chính phủ “đại liên minh,” như họ đã sát cánh cùng nhau ở nhiệm kỳ 2013-2017.
Tiến trình đàm phán thành lập chính phủ liên minh mới ở Đức cũng đã gặp thuận lợi, sau khi ban lãnh đạo SPD, tại đại hội đảng vào ngày 21/1 ở Bonn, thông qua dự thảo thỏa thuận vừa được CDU/CSU và SP nhất trí.
Đây từng được coi là “rào cản” đối với quá trình đàm phán, bởi trong nội bộ lãnh đạo đảng SPD cũng có nhiều ý kiến không muốn tiếp tục khởi động "đại liên minh" với liên đảng bảo thủ CDU/CSU vì lo ngại điều này sẽ làm giảm tính đồng nhất của đảng, đồng thời sẽ tạo cơ hội để đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) trở thành đảng đối lập chính trong Quốc hội Đức.
Tới đây, kết quả đàm phán cũng phải được khoảng 450.000 thành viên cấp cao của đảng này thông qua...
Liên đảng CDU/CSU muốn kết thúc việc đàm phán thành lập chính phủ vào giữa tháng Hai tới, trong khi nhiều nhà quan sát cho rằng, sớm nhất thì cũng phải đến cuối quý 1, đầu quý 2 năm nay chính phủ mới ở Đức mới có thể ra đời.
Tuy nhiên, khó khăn trong cuộc đàm phán sắp tới được dự báo là khá lớn khi mà giữa các bên còn tồn tại nhiều bất đồng. Những sự khác biệt về quan điểm trong các vấn đề người tị nạn, tăng thuế đối với người giàu, bãi bỏ “thuế đoàn kết” vốn giúp Đông Đức bắt kịp Tây Đức sau thời điểm nước Đức thống nhất hay tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế… cần phải được các bên tập trung làm rõ, tìm được tiếng nói thống nhất và biến thành chính sách cụ thể của chính phủ mới.
Với bài học thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử quốc hội liên bang vừa qua, SPD sẽ không dễ dàng nhân nhượng ở bất kỳ điểm nào, trong bối cảnh chính đảng giàu truyền thống này cũng đã sẵn sàng trở thành đảng đối lập để tìm lại vinh quang sau nhiều năm bị cái bóng quá lớn của CDU/CSU che phủ.
“Quả bóng” khủng hoảng chính trị ở Đức đã xì hơi, nhưng chưa thể chắc chắn rằng nó sẽ không căng trở lạ, nếu đàm phán chính thức giữa CDU/CSU và SPD lại gặp trục trặc.
Câu chuyện “đàm phán đổ vỡ” vẫn còn rất mới, khi nước Đức đã ở rất gần một “liên minh Jamaica” lần đầu tiên trong lịch sử, thì cũng là lúc đảng Dân chủ Tự do (FDP) châm ngòi cho khủng hoảng bằng việc rút lui giữa chừng, buộc CDU/CSU phải quay sang thuyết phục đối tác cũ SPD ngồi vào bàn đàm phán.
Vì thế, một chính phủ thiểu số hay một cuộc bầu cử mới - “kịch bản” có tới 51% số người được hỏi ủng hộ trong một cuộc thăm dò dư luận trước thời điểm các đảng bước vào vòng đàm phán thăm dò kéo dài 5 ngày vừa qua - vẫn chưa thể bị loại trừ vào lúc này, dù các lựa chọn đó ít có khả năng xảy ra, bởi CDU/CSU và SPD đã quá hiểu nhau./.