Tháo “nút thắt” để người nghèo tiếp cận nguồn vốn hiệu quả hơn

Theo các chuyên gia, cần nghiên cứu cơ chế để người nghèo có thể tiếp cận nguồn tài chính chính thức từ ngân hàng thương mại thông qua các gói sản phẩm tín dụng phù hợp, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Tháo “nút thắt” để người nghèo tiếp cận nguồn vốn hiệu quả hơn ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhiều năm qua, chính sách hỗ trợ tín dụng cho các hộ nghèo, cận nghèo đã đạt một số kết quả nhất định. Điều đáng ghi nhận là đã có hộ nghèo được hỗ trợ thoát ra khỏi vòng vây của “tín dụng đen.”

Thế nhưng trước thực tế hoạt động “tín dụng đen” đang diễn ra phức tạp và yêu cầu của mục tiêu thoát nghèo bền vững cần phải xem xét một vấn đề là làm sao người nghèo có thể tiếp cận nguồn vốn hiệu quả hơn.


Từ câu chuyện thực tế

“Vay thì dễ, nhưng trả thì khó!” là thực trạng đáng báo động về tình trạng cho vay nặng lãi không chỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh mà còn là vấn nạn của rất nhiều địa phương khác.

Lợi dụng nhu cầu cần tiền gấp để giải quyết những vấn đề cấp bách trong gia đình mà nhiều người nghèo đã trở thành nạn nhân của những cá nhân, tổ chức "tín dụng đen." Khi đã thành con nợ thì bắt buộc phải thanh toán tiền lãi và gốc đúng hạn, không trả nổi thì nợ chồng nợ, không còn lối thoát.

Chúng tôi gặp chị Phạm Thị Xuân ở Phường 3, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh khi chị đã thoát khỏi vòng vây của bọn cho vay nặng lãi đã hơn 15 năm trước, nhưng câu chuyện này vẫn khiến chị khiếp sợ mỗi khi nghĩ lại.

Chị ngậm ngùi chia sẻ, để nuôi người chồng bị bệnh ung thư, dù biết vay tín dụng đen là “đi vào chỗ chết” nhưng không còn con đường nào khác. Rồi lãi chồng lãi, số tiền nợ càng ngày càng lớn, chị phải bán một phần căn nhà nhưng cũng không trả hết nợ.

[TP.HCM: Công tác giảm nghèo tạo động lực lớn cho xã hội]

Khi biết đến Quỹ CEP (Tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn một thành viên cho người lao động nghèo tự tạo việc làm) từ Tổ trưởng dân phố, chị đã tới cầu cứu và kể từ đó bằng nguồn tiền vay và được hướng dẫn của CEP về phương thức trả gốc lãi hợp lý nên chị đã giữ được lại một phần căn nhà.

“CEP như sinh tôi ra lần thứ 2, bởi nếu không có sự hỗ trợ của CEP thì không còn nhà để ở, con cái không được đến trường,” chị Xuân xúc động. Hiểu được nghĩa tình của CEP đã giải vây chị trong lúc khó khăn nhất nên chị luôn cố gắng giữ chữ ‘tín” với CEP, chưa bao giờ trả nợ trễ hạn mà còn góp được tiết kiệm hàng tháng, sửa sang nhà cửa, lo cho con học hành đến nơi đến chốn.

Đồng cảnh ngộ như chị Xuân, ông Nguyễn Thế Dũng, 56 tuổi, sống tại Quận 4, cũng là một trong những nạn nhân của tín dụng đen từ hơn mười năm trước.

Khi đó, nghề chạy xe ôm của ông là nguồn thu nhập chính để nuôi sống cả gia đình với 3 người con đang tuổi ăn tuổi lớn. Do không có tiền nên ông phải thuê xe để chạy, thu nhập hàng ngày phải chia cho chủ xe nên không còn bao nhiêu, ông phải vay nóng bên ngoài để trang trải cuộc sống, gia đình rơi vào túng quẫn khi số tiền lãi phải đóng lớn hơn nhiều lần so với tiền gốc ban đầu vay mượn nhưng số nợ thì vẫn còn nguyên. Và rồi ông gặp được Quỹ CEP như một chiếc “phao cứu sinh”.

Ông không ngờ mình có ngày được cầm số tiền vay tín chấp 20 triệu đồng trên tay, ông mua xe để tiếp tục chạy xe ôm, mỗi ngày kiếm được 200.000-250.000 đồng, sau một năm đã xóa hết nợ còn được nhận lại 2 triệu đồng tiền tiết kiệm từ Quỹ CEP. Giờ đây, khi con cái đã trưởng thành và có công việc ổn định, niềm mơ ước lớn nhất đời ông đã thành hiện thật.

Câu chuyện của hai gia đình trên chỉ là số ít những nạn nhân bị kìm kẹp bởi hoạt động "tín dụng đen" ngày càng diễn biến phức tạp trên cả nước.

Theo ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Giám đốc CEP, việc tồn tại hoạt động của các nhóm đối tượng cho vay nặng lãi là do cách thức cho vay của các nhóm rất nhanh gọn, đáp ứng ngay nhu cầu tài chính, trong khi những người nghèo lại không quan tâm đến mức lãi suất cho vay.

Như vậy, từ những câu chuyện thực tế nói trên đã cho thấy cần phải có những giải pháp nhằm làm sao chính sách hỗ trợ tín dụng cần phải đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu vốn vay của hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, một vấn đề quan trọng là tạo cơ chế để nhiều tổ chức tín dụng của hội, đoàn thể được chuyển đổi trở thành những tổ chức tài chính vi mô.

Tiếp cận nguồn vốn hiệu quả

Vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Đạt, cho rằng nếu những tổ chức nói trên chuyển đổi thành tổ chức tài chính quy mô sẽ tạo thêm động lực cho sự phát triển bằng việc có cơ chế thu hút và huy động được nhiều nguồn vốn khác nhau. Nhất là hoạt động của các tổ chức tín dụng hội, đoàn sẽ đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước để hoạt động tín dụng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Song song đó, một số chuyên gia trong lĩnh vực an sinh xã hội cho rằng, lãi suất cho vay hiện nay các tổ chức tài chính vi mô đang áp dụng nhìn chung vẫn còn mang tính chất ưu đãi phục vụ người nghèo. Chính cách tư duy này cũng khiến cho hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô sẽ kém bền vững và thậm chí khó thu hút được các tổ chức tín dụng như ngân hàng thương mại tham gia do hoạt động tín dụng đối với người nghèo là cho vay tín chấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Như vậy kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành có liên quan nghiên cứu chính sách và khung pháp lý phù hợp hơn. Theo đó, cần nghiên cứu về quy định lãi suất cho vay để đảm bảo tính bền vững về tài chính cho các tổ chức tài chính vi mô và thu hút các ngân hàng thương mại tham gia.

“Về lâu dài cần nghiên cứu cơ chế để người nghèo có thể tiếp cận các nguồn tài chính chính thức từ ngân hàng thương mại thông qua các gói sản phẩm tín dụng phù hợp. Điều này sẽ góp phần rất lớn để đẩy lùi tín dụng đen,” ông Nguyễn Tấn Đạt kiến nghị.

Ở góc độ khác, làm sao để đáp ứng nhanh nhu cầu, cung cấp linh hoạt vốn cho người lao động nghèo để phát triển kinh tế mà vẫn đảm bảo được yêu cầu kiểm soát rủi ro. Bởi đây cũng là yêu cầu quan trọng, đáp ứng mục tiêu giai đoạn 2019- 2020, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến nâng mức chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Cụ thể, dự kiến tiêu chí thu nhập hộ nghèo bình quân đầu người 28 triệu đồng/người/năm trở xuống và mức chuẩn hộ cận nghèo có thu nhập trên 28 triệu đồng đến 36 triệu đồng/người/năm.

Vấn đề này, theo báo cáo của CEP, dù đối tượng vay vốn từ CEP là những người nghèo và nghèo nhất trong xã hội nhưng điều đặc biệt là những năm qua nợ xấu luôn được khống chế ở mức thấp với tỷ lệ dưới 0,5% so tổng mức dư nợ tính đến ngày 30/6/2018 là hơn 1.800 tỷ đồng với gần 167.000 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn theo hình thức tín chấp. Để có được kết quả này, đó là nhờ sản phẩm phù hợp với người nghèo, quy trình cho vay chặt chẽ.

“Người nghèo không thể trả gốc và lãi một lần. Vì vậy các gói tín dụng có thể được chia theo tuần, theo tháng và việc thu lãi từng số tiền nhỏ theo tuần. Việc chia nhỏ và theo sát giúp người vay dễ dàng trả nợ hơn. Các nhân viên CEP thường xuyên sâu sát nắm tình hình các đối tượng vay, hiểu được khó khăn, động viên, tư vấn các phương án trả nợ kịp thời”, ông Nguyễn Tấn Đạt cho biết.

Ngoài ra, hình thức khuyến khích đối tượng vay vẫn gửi tiết kiệm tại các tổ chức CEP được xem là hình thức đảm bảo cho tổ chức tín dụng tránh rủi ro mất vốn và đảm bảo cho người vay có khả năng hoàn trả nợ trong trường hợp gặp rủi ro không lường trước được. Đồng thời, đây cũng là cách chứng minh khả năng tiết kiệm của người nghèo để dần thay đổi tư duy với mục tiêu thoát nghèo bền vững.

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở góc độ chủ động của các tổ chức vi mô nhằm kiểm soát rủi ro như đã để cập ở trên nhằm đáp ứng tốt, nhanh hơn nhu cầu vốn của người nghèo là chưa đủ.

Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, các tổ chức tín dụng cần kết hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể địa phương xây dựng tốt hơn nữa phương án cho vay theo nhóm.

Theo đó, nhóm người nghèo, cận nghèo với mục tiêu giúp đỡ lẫn nhau và có cơ chế chịu trách nhiệm liên đới trong việc trả nợ của bất kỳ thành viên nào trong nhóm.

Từ đây, nhóm này sẽ có nhiệm vụ lựa chọn thành viên, giám sát việc sử dụng vốn hiệu quả, gây áp lực đối với thành viên không hoàn trả vốn, gia tăng tỷ lệ hoàn trả… Đồng thời đây còn là nơi gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm để giúp người vay tránh “tín dụng đen”, vươn lên thoát nghèo bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục