Theo trang mạng aljazeera.com, 10 năm trước, người dân Tunisia đã tiến hành cuộc nổi dậy và lật đổ Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali.
Họ tố cáo chế độ, các chính sách cùng những hành vi nhũng nhiễu của ông, đồng thời kêu gọi chính quyền Ben Ali tạo công ăn việc làm, tôn trọng tự do và phẩm giá.
Đó là sự bất bình của hàng triệu thanh niên trước sự kiêu ngạo của chủ nghĩa thân hữu, sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng về cơ hội kinh tế và quyền tự do ngôn luận bị bóp nghẹt.
Mong muốn tạo ra sự thay đổi ở Bắc Phi và Trung Đông (MENA) đã nhanh chóng kích động những làn sóng phản đối khắp khu vực. Những làn sóng hy vọng ban đầu đó, mà một số người gọi là “Mùa Xuân Arab” đã dẫn đến sự sụp đổ của các chính phủ ở Ai Cập, Libya và Yemen.
Thế nhưng, như chúng ta biết hiện nay, làn sóng đó đã rơi vào vũng xoáy của tình trạng vỡ mộng, chủ nghĩa cơ hội chính trị, chủ nghĩa độc tài, bạo lực và nội chiến.
Một thập kỷ sau các biến cố đầy kịch tính nói trên, điều gì đã xảy ra với nhân phẩm và tự do? Điều gì đã xảy ra với các cơ hội kinh tế? Liệu thanh niên của khu vực MENA ngày nay có một cuộc sống tốt hơn so với một thập kỷ trước hay không?
Bất chấp việc một số nước đã có nhiều nguyện vọng hơn và họ đã đạt được mức độ cởi mở chính trị có giới hạn nào đó và bất chấp cộng đồng quốc tế đã cung cấp những hỗ trợ đáng kể cho khu vực này, song những thay đổi sâu sắc về quản trị và những thành tựu liên quan đến kinh tế đã không trở thành hiện thực trong thập kỷ qua.
Hầu hết các nước MENA đều đối mặt với những khoản nợ công không bền vững và phụ thuộc nhiều hơn vào các dòng vốn. Mặc dù một số nước trong khu vực, chủ yếu ở Vùng Vịnh, đã cho thấy những cải thiện trong việc nới lỏng kinh doanh, song năng lực cạnh tranh toàn diện của các nước MENA vẫn thấp hơn so với tiềm năng của khu vực.
Theo một cuộc thăm dò dư luận mới đây do tờ The Guardian và hãng YouGov cùng tiến hành, phần lớn những người được khảo sát tại Sudan, Tunisia, Algeria, Iraq và Ai Cập không hối hận về cuộc biểu tình "Mùa Xuân Arab."
Tuy nhiên, hơn một nửa số người được hỏi ở Syria, Yemen, Libya và Sudan nói rằng cuộc sống của họ còn tồi tệ hơn trước khi nổi dậy.
Thậm chí tại Tunisia, nơi được cho là quốc gia gần gũi nhất với câu chuyện thành công về dân chủ, 50% số người được hỏi nói rằng cuộc sống của họ hiện nay tồi tệ hơn, trong khi chỉ hơn 1/4 số người được khảo sát cho biết cuộc sống của họ đã tốt hơn.
Và niềm hy vọng đang tắt dần: đa số người được khảo sát ở Yemen, Syria, Iraq, Libya, Sudan và Tunisia tin rằng con cái họ sẽ phải đối mặt với tương lai tồi tệ hơn so với thời kỳ trước khi diễn ra các cuộc biểu tình.
Tương lai đó là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu không thay đổi hoàn toàn đường hướng phát triển, thì rất có thể khu vực MENA sẽ lại mất thêm một thập kỷ nữa.
Xây dựng một khế ước xã hội mới
Nỗi bất bình dẫn đến những thay đổi lịch sử cách đây một thập kỷ hiện có thể thậm chí còn mạnh mẽ hơn.
Giới trẻ MENA thiếu các cơ hội và hy vọng mờ mịt về tương lai. Để tránh lãng phí thêm một thập kỷ nữa, các chính phủ MENA phải sửa chữa lại một khế ước xã hội đã bị phá vỡ cũng như vai trò đang méo mó và tha hóa của nhà nước trong quản lý nền kinh tế.
Theo các xu hướng nhân khẩu học hiện nay, khu vực MENA sẽ cần tạo ra 300 triệu việc làm mới vào năm 2050. Đây là một thách thức đầy khó khăn và đặt ra ngay trước mắt đối với chính phủ các nước khu vực.
[Một Trung Đông mới đang dần hình thành - cơ hội cho tất cả các nước?]
Không còn thời gian để chuẩn bị. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính các nước MENA sẽ cần phải bắt đầu tạo ra 800.000 việc làm mỗi tháng, bắt đầu ngay từ bây giờ, chỉ để đáp ứng số lượng lao động mới đang gia nhập vào thị trường.
Các chính phủ cũng như khu vực tư nhân sẽ không tạo ra hàng triệu việc làm mới này. Cách duy nhất để tận dụng và phát huy tối đa nguồn lực của giới trẻ trong khu vực là làm hồi sinh các hoạt động kinh tế, mở thêm các cánh cửa cho khu vực tư nhân, tăng tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và quản trị trong các vấn đề của nhà nước và để cho chính phủ phải đóng vai trò là "nhà điều hành" công bằng.
Thật không may, những thách thức ở các lĩnh vực khác vẫn bủa vây các chính phủ. Tại hầu hết các nước trong khu vực, ngành giáo dục vẫn bế tắc trong việc sử dụng chương trình sách giáo khoa cũ rích và các phương pháp giảng dạy lỗi thời. Đại dịch COVID-19 bộc lộ một cách đau đớn những yếu kém của các hệ thống y tế.
Các chương trình bảo trợ xã hội đang rạn nứt. Báo cáo Chỉ số Nguồn nhân lực mới nhất của WB cho thấy ngày nay một đứa trẻ sinh ra tại MENA sẽ có hiệu quả làm việc thấp hơn một nửa so với mức hiệu quả mà nếu đứa trẻ này được hưởng học hành hoàn chỉnh và y tế đầy đủ.
Điều nghịch lý là, xây dựng nguồn nhân lực là một trong những vai trò cốt lõi nhất của quốc gia. Tuy nhiên, có một sự thiếu vắng đáng ngạc nhiên của lãnh đạo quốc gia ở nhiều nước MENA.
Khi thực hiện đúng vai trò của mình, các chính phủ cần nỗ lực rất nhiều để cung cấp hành trang cho giới trẻ nước mình phát triển và cạnh tranh trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa.
Nỗ lực này không đơn thuần là đầu tư tài chính, bởi MENA đã chi phần lớn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho y tế và giáo dục, với các kết quả phần lớn là không tương xứng. Vì vậy, việc sử dụng hợp lý hơn các nguồn lực và quản lý tốt hơn các hệ thống y tế và giáo dục là những gì khu vực này cần làm.
Một khía cạnh khác cần đạt được tiến bộ là mở ra nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ và trao quyền kinh tế cho họ.
Tại MENA, vẫn tồn tại một nghịch lý về giới: phụ nữ được giáo dục nhiều hơn và đạt thành tích tốt hơn trong môi trường học tập so với nam giới, nhưng chỉ một phần nhỏ trong số họ tham gia vào hoạt động kinh tế.
Các chính phủ MENA cũng phải xem xét lại cách tiếp cận của họ đối với bảo trợ xã hội, vốn hiện dựa vào các khoản trợ cấp được phân bổ sai lầm và tốn kém.
Đã quá lâu rồi, các quốc gia đã lựa chọn con đường dễ dãi về chính trị và thảm hoạ về kinh tế dẫn đến một khế ước xã hội lỏng lẻo, theo đó hàng hóa và dịch vụ cơ bản được cung cấp với mức giá “được bảo vệ” để mua lòng trung thành chính trị và “hòa bình xã hội.”
Các chính sách này không còn khả thi nữa. Các chính phủ không thể duy trì mãi mức giá "được bảo vệ" đó và người dân, đặc biệt là giới trẻ, không còn chấp nhận sự câm lặng trước nỗi bất bình để đánh đổi việc những khát vọng của họ bị bóp nghẹt. Đa phần, sự thất bại của khế ước xã hội lỗi thời và thiếu sót này đã gây ra tình trạng bất ổn trên toàn khu vực 10 năm trước.
Giờ đã không còn là cái thời chấp nhận các chính sách trao quyền để giúp giảm bớt các gánh nặng mà nhà nước không thể thể chịu đựng được nữa và chuyển hướng các nguồn lực khan hiếm sang tăng cường nguồn nhân lực và rèn giũa giới trẻ hôm nay cho công việc của ngày mai.
Vai trò của chính phủ trong nền kinh tế
Trong một nền kinh tế giàu mạnh, khu vực kinh tế tư nhân và giới doanh nghiệp cần "không gian" để phát triển. Chính phủ đóng vai trò chủ đạo là người điều hành nền kinh tế.
Để thực hiện vai trò này, chính phủ cần thiết lập các quy tắc rõ ràng và có thể dự báo được, thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường để ngăn chặn các hành vi độc quyền và trao quyền cho hệ thống tư pháp để thực thi pháp quyền. Đây là những điều cơ bản đối với bất kỳ nền kinh tế thị trường mở nào và là các điều kiện để thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước.
Xuất hiện tia hy vọng khi một số nước đang nỗ lực cải cách tiến trình phát triển kinh tế. Nổi bật là Maroc: nước này đang trên con đường mở cửa với thế giới và đầu tư mạnh cho công cuộc hiện đại hóa, trong khi vẫn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong khi hầu hết các nước trên thế giới tập trung vào công tác quản lý kinh tế trong ngắn hạn nhằm đối phó với đại dịch COVID-19, Maroc đã và đang thực hiện những cải cách mới quan trọng có khả năng giúp thay đổi tương lai của đất nước và người dân nước này.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải chỉ ra rằng các chỉ số kinh tế vĩ mô có thể bị sai lệch. Người ta có thể che giấu thực trạng xã hội xuống cấp trầm trọng và quản trị yếu kém, như trường hợp của Tunisia 10 năm trước.
Trên khắp khu vực MENA, các chính phủ đang thực hiện các cải cách kinh tế và xã hội trên diện rộng đồng thời phát đi một tín hiệu mạnh mẽ về tinh thần không khoan nhượng đối với các hành vi tham nhũng vốn vẫn tràn lan một cách đáng buồn. Đáng tiếc, các chính sách này là ngoại lệ chứ không phải là quy tắc.
Các lĩnh vực lớn của các nền kinh tế MENA vẫn bị các thực thể nhà nước hoạt động mạnh bên ngoài thực tế thị trường quản lý sai cách. Bối cảnh kinh tế hiện nay của khu vực đặt ra gánh nặng cho những người đóng thuế và đóng sập cánh cửa đối với rất nhiều nhà đầu tư tư nhân.
Không ai tranh cãi về quá trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước diễn ra tự động. Điều các chính phủ MENA cần làm là mở cửa thị trường để cạnh tranh, triển khai mô hình quan hệ kinh tế theo kiểu đối tác công-tư và đem lại sức sống mới cho các bộ phận cấu thành nền kinh tế vốn đã hoạt động kém hiệu quả hoặc "chết yểu."
Các chính phủ cần có bản lĩnh chính trị và tính hợp pháp để giải thích những cải cách này với người dân và áp dụng các chính sách xã hội để bảo vệ bất kỳ người dân nào bị bỏ lại phía sau.
Một thập kỷ "được cởi trói"
10 năm sau biến động chính trị đáng kể nhất trong vòng một thế kỷ qua, chưa một vấn đề gì được giải quyết tại khu vực MENA. Tâm lý thất vọng đã kích động Mùa Xuân Arab bùng lên, cùng với đó là tình trạng bạo lực, bất ổn xã hội gia tăng và, trong nhiều trường hợp, các chính phủ trở nên yếu kém hơn và tham nhũng nhiều hơn.
Ngày càng có nhiều giới trẻ, nhiều người trong số họ có bằng đại học, mơ về một tương lai tốt đẹp hơn ở những nơi khác trên thế giới.
Để tránh phải mất thêm một thập kỷ nữa, cần có lời kêu gọi để chính phủ trên khắp MENA, từ “đại dương đến vùng Vịnh” phải hành động. Nhiệm vụ trước mắt là tạo cơ hội phát triển cho doanh nghiệp tư nhân, vượt qua "những làn gió ngược" nhằm vào các nền kinh tế đang tự do hóa và trao cho giới trẻ các cơ hội để họ phát huy hết tiềm năng vô hạn của mình.
Các chính phủ cần ban hành các luật lệ công bằng, thông qua các quy định có quyền lực hợp pháp mới và thực thi công bằng các quy định ấy. Điều này sẽ giúp cởi trói những ràng buộc đối với hàng triệu thanh niên, đem lại nhiệt huyết để họ lựa chọn tạo ra các cơ hội và sự giàu có ở ngay tại nước nhà chứ không phải đem tài năng của họ ra nước ngoài hoặc liều mạng vượt biển để di cư.
Các nước trong khu vực cần tạo điều kiện để giới doanh nhân, những con người sáng tạo, đổi mới và những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao để đạt được vinh danh trong công cuộc cải cách các nền kinh tế của MENA.
Những con người ấy sẽ tạo ra công ăn việc làm và nuôi dưỡng hy vọng cho giới trẻ khu vực. Hãy trao cho họ địa hạt hoạt động và sự hỗ trợ, hãy đi theo sự dẫn dắt của họ và chờ xem một thập kỷ "được cởi trói" sẽ diễn ra như thế nào trong toàn khu vực./.