Thế giới cần phá thế độc quyền trong hệ thống lương thực toàn cầu

Theo CEO của tổ chức phi chính phủ Oxfarm, một yếu tố then chốt để tìm kiếm những giải pháp dài hạn là xử lý toàn bộ hệ thống bằng cách phá vỡ thế độc quyền, cũng như áp thuế lợi tức phụ thu.
Thế giới cần phá thế độc quyền trong hệ thống lương thực toàn cầu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giám đốc điều hành (CEO) của tổ chức phi chính phủ Oxfarm, bà Gabriela Bucher, mới đây nhấn mạnh cần phá bỏ thế độc quyền và áp thuế lợi tức phụ thu (thuế đánh trên số lợi nhuận lớn, bất ngờ) trong hệ thống lương thực thế giới nhằm ngăn chặn nạn đói.

Phát biểu tại hội thảo về khủng hoảng lương thực và mối đe dọa gây mất ổn định toàn cầu trong khuôn khổ Sáng kiến Toàn cầu Clinton (CGI) năm 2022 tại New York (Mỹ), CEO Bucher nêu rõ toàn bộ hệ thống lương thực đã được định hình theo cách "rất mong manh và vô cùng bất bình đẳng".

Theo bà, toàn bộ hệ thống này được sắp đặt theo cách mang lại lợi ích cho 1% các tập toàn lương thực quy mô rất lớn. Các thực thể này cùng bốn liên danh lớn đang kiểm soát 70% thị trường lương thực toàn cầu.

CEO Bucher lưu ý rằng đã có tới 62 "tỷ phú lương thực" mới trong giai đoạn đại dịch COVID-19, trong khi chính những người nông dân canh tác quy mô nhỏ lại phải chịu cảnh đói kém do mùa màng thiếu phân bón cùng những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.

[Mỹ chi thêm gần 3 tỷ USD để đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu]

Theo CEO của Oxfarm, một yếu tố then chốt để tìm kiếm những giải pháp dài hạn là xử lý toàn bộ hệ thống bằng cách phá vỡ thế độc quyền, cũng như áp thuế lợi tức phụ thu, đặc biệt là trong hệ thống lương thực.

Nếu giải quyết được vấn đề siêu lợi nhuận tích lũy trong ngành lương thực suốt giai đoạn đại dịch COVID-19, thế giới sẽ có những nguồn lực để đầu tư và đảm bảo rằng nông dân canh tác quy mô nhỏ sẽ có được nguồn tài chính để duy trì sinh kế bền vững.

Bà Gabriela Bucher nói thêm rằng về lâu dài, đánh thuế tài sản là một trong những cách để huy động các nguồn tài chính. Các nước cần thực hiện nhiều nỗ lực nhằm đảm bảo các nông dân canh tác quy mô nhỏ có các nguồn hỗ trợ thường xuyên.

Bà cũng nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống đói nghèo có mối liên hệ chặt chẽ với cuộc chiến chống bất bình đẳng và nạn đói có xu hướng gia tăng trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.