Thế giới lo ngại nguồn cung dầu mỏ thiếu hụt sau quyết định của Mỹ

Các nhà giao dịch năng lượng tại thị trường London đang rất lo ngại về khả năng nguồn cung dầu từ Iran giảm sút cũng như triển vọng hợp tác dầu mỏ với nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 5 thế giới này.
Thế giới lo ngại nguồn cung dầu mỏ thiếu hụt sau quyết định của Mỹ ảnh 1Cơ sở khai thác dầu tại thị trấn al-Buraqah, Libya. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại London dẫn lời các chuyên gia phân tích năng lượng Anh cho hay các nhà giao dịch năng lượng tại thị trường London đang rất lo ngại về khả năng nguồn cung dầu từ Iran giảm sút cũng như triển vọng hợp tác dầu mỏ với nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 5 thế giới này.

Theo các chuyên gia cam kết mà Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) - cũng như những lời xoa dịu thị trường dầu mỏ của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận Iran đã không làm dịu bớt mối lo ngại.

Công ty dầu mỏ Serica Energy (Anh) hiện niêm yết trên sàn chứng khoán London vừa xác nhận quan hệ hợp tác với công ty dầu mỏ quốc doanh Iranian Oil Company của Iran tại mỏ khí đốt Rhum ở Biển Bắc đã nhanh chóng bị ảnh hưởng.

Cổ phiếu của Serica Energy ngay trong phiên giao dịch sáng ngày 9/5 tại thị trường chứng khoán London đã giảm tới 16%.

[Giám đốc IAEA xác nhận Iran tuân thủ cam kết hạt nhân]

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích thị trường cho rằng quyết định trừng phạt từ phía Mỹ sẽ gây tác động nhỏ hơn đối với sản lượng dầu thô của Iran so với các biện pháp trừng phạt trước đây, trong bối cảnh Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ có thể cân nhắc phản đối các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu dầu mỏ của Tehran.

Theo dự báo của tập đoàn tài chính MUFG, các nước này sẽ duy trì việc mua dầu thô từ Iran, qua đó có thể giúp làm giảm bớt tình trạng căng thẳng đối với nền kinh tế này.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin đã trao thời hạn 180 ngày cho các đối tác mua dầu mỏ của Iran để giảm dần hoạt động này trước khi Mỹ khôi phục các biện pháp trừng phạt đối với tất cả các sản phẩm dầu mỏ xuất khẩu từ Tehran.

Các chuyên gia đưa ra những dự báo khác nhau về tác động đối với nguồn cung dầu mỏ Iran, song các nhà phân tích ở Trung tâm tài chính London cho rằng mức độ ảnh hưởng sẽ không tương tự như sự sụt giảm về nguồn cung (đứng ở mức 1 triệu thùng/ngày) so với các lần trừng phạt nhằm vào Iran trước đây.

Hàn Quốc cũng là quốc gia chịu tác động sau khi Mỹ để ngỏ khả năng khôi phục các lệnh trừng phạt đối với Tehran.

Các chuyên gia dầu mỏ Hàn Quốc nhận định rằng quyết định cứng rắn của Washington đối với nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 5 thế giới này sẽ gây tác động dây chuyền đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Hàn Quốc cũng như ngành năng lượng nói chung.

Trong khi đó, các công ty lọc dầu Hàn Quốc cho rằng trong ngắn hạn, việc cắt giảm dầu nhập khẩu từ Iran không gây ảnh hưởng nhiều, song lại làm gia tăng sự bất ổn trên thị trường dầu mỏ Hàn Quốc, khiến các doanh nghiệp nước này "khó xoay xở."

Trước tình hình này, trong ngày 9/5, Bộ Năng lượng, Công nghiệp và thương mại Hàn Quốc đã tổ chức cuộc họp với các công ty lọc dầu, cơ quan xúc tiến thương và một số tổ chức liên quan khác nhằm tính toán tác động từ các lệnh trừng phạt Mỹ đối với Iran.

Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại New York dẫn mạng tin của tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor cho hay ông Trump vạch ra kế hoạch tái áp đặt toàn bộ các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Iran, trong đó có khu vực tài chính và dầu lửa quan trọng mang tính sống còn.

Một khi các biện pháp trừng phạt có hiệu lực sau 180 ngày tới, các nước đều phải giảm đáng kể lượng dầu nhập khẩu từ Iran để tránh gặp "rắc rối" với Mỹ.

Trong khi đó, hãng tin Bloomberg dẫn lời các chuyên gia cho rằng động thái của Mỹ có thể khiến sản lượng dầu thô của Iran giảm tối đa 800.000 thùng dầu/ngày và kéo theo đó là nguy cơ giá dầu thế giới leo thang./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.