Theo trang sohu.com, ngày 8/8/2021 đánh dấu kỷ niệm 54 năm ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đối mặt với tình hình nghiêm trọng về an ninh phi truyền thống như tác động của dịch bệnh và sự gia tăng đọ sức giữa các nước lớn..., các cuộc họp bộ trưởng ngoại giao về hợp tác Đông Á diễn ra trong tháng Tám có hai vấn đề thu hút sự chú ý.
Đầu tiên là việc các nước thành viên ASEAN đề xuất một loạt chủ trương nhằm nâng cấp tiến trình hội nhập khu vực lên tầm cao mới và thứ hai là nỗ lực của Mỹ trong việc lôi kéo ASEAN thiết lập vòng vây chống Trung Quốc.
Nước Mỹ trong thế “ngồi trên lửa”
Trong hơn nửa thế kỷ qua, 10 nước Đông Nam Á đã phát triển lớn mạnh với tinh thần “biến đá thành vàng,” kiên trì hoạt động trong khuôn khổ hội nhập. ASEAN đã trở thành một trong những tổ chức khu vực thành công nhất thế giới với đà phát triển mạnh mẽ và sự đoàn kết, hợp tác chặt chẽ nhất.
Ngày nay, ASEAN không chỉ là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, mà còn là đối tác tin cậy, quan trọng của nhiều nước, đóng vai trò trung tâm trong tiến trình đối thoại, hợp tác và kết nối quan trọng ở khu vực.
Trước tình hình và thách thức mới của khu vực và quốc tế, ASEAN đã xây dựng “Kế hoạch tổng thể Cộng đồng ASEAN đến năm 2025,” “Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2025,” “Khuôn khổ phục hồi tổng thể ASEAN” và đang phấn đấu cho một hành trình phát triển mới.
Việc ký kết và thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do ASEAN khởi xướng và tích cực thúc đẩy đã thổi luồng sinh khí mới vào sự phát triển và hợp tác giữa Trung Quốc với các nước ASEAN, qua đó mở ra triển vọng rộng lớn hơn.
[Những thách thức đối với chủ nghĩa đa phương của Tổng thống Joe Biden]
Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc và các nước ASEAN để cùng xây dựng và chia sẻ ngành công nghiệp và thương mại đang được đẩy nhanh và tạo động lực tốt, các nước ASEAN đều tràn đầy kỳ vọng vào sự hợp tác sâu rộng hơn nữa với Trung Quốc.
Tuy nhiên, Mỹ sẽ không chấp nhận sự hợp tác suôn sẻ và mở rộng quan hệ hợp tác giữa các nước ASEAN và Đông Á với Trung Quốc. ASEAN đã thay thế Liên minh châu Âu (EU) trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
Việc thực hiện suôn sẻ RCEP và các dự án hợp tác lớn như BRI, cũng như việc Trung Quốc cung cấp số lượng lớn vaccine khẩn cấp cho các nước ASEAN khiến Mỹ không thể ngồi yên.
Theo quan điểm của Washington, mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và các nước ASEAN càng chặt chẽ thì vị thế của Trung Quốc trong ASEAN càng vững chắc, tầm ảnh hưởng của nước này ở khu vực Đông Á sẽ càng lớn, các khu vực láng giềng và nền tảng quan hệ quốc tế của Trung Quốc sẽ càng được củng cố hơn.
Trong khi đó đối với Mỹ, xét về việc xây dựng thúc đẩy hệ thống liên minh chiến lược chống Trung Quốc, do châu Âu ở khoảng cách xa nên khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là trọng điểm, còn khu vực ASEAN là khu vực cốt lõi.
Vì vậy, Mỹ có ý định dựa vào đó làm điểm đột phá chiến lược mới. Đồng thời, Washington cho rằng mặc dù các nước ASEAN có quan hệ thân thiết lâu dài với Trung Quốc, nhưng nhiều nước ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc trong vấn đề quyền và lợi ích nên dễ dàng để Mỹ lôi kéo.
Tuy nhiên, kể từ ngày 3/8, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã lần lượt tham dự trực tuyến các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc-ASEAN (10+1), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung-Nhật-Hàn (10+3), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).
Tại những hội nghị này, ông Vương Nghị đã nhấn mạnh rằng tình hình đã thay đổi, tất cả các nước phải tự nắm lấy vận mệnh của mình, tương lai của khu vực cần phải do các nước chung sức tạo dựng. Và các nước trong khu vực đã đồng loạt hưởng ứng và ủng hộ quan điểm của Trung Quốc.
Những nỗ lực nhằm lôi kéo các nước ASEAN
Để đối trọng lại với Trung Quốc, Washington đã cố gắng xây dựng một hệ thống đồng minh ngay trước “cửa nhà” của nước này và các khu vực xung quanh, kiềm chế sự phát triển và hạn chế việc cải thiện hơn nữa khả năng cạnh tranh và tầm ảnh hưởng quốc tế của nước này.
Sau khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden từng muốn lôi kéo các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ cùng các nước đồng minh châu Âu. Điều này khiến ông bị chỉ trích rằng không coi trọng ASEAN và các nước ở khu vực này.
Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, xuất phát từ nhu cầu chiến lược chống đối và kiềm chế Trung Quốc, Mỹ đã đưa ra chiến lược Mỹ trở lại châu Á-Thái Bình Dương, Phó Tổng thống khi đó là ông Joe Biden là đã người tích cực vận động và thúc đẩy chiến lược này.
Trong thời kỳ sau này của Chính quyền cựu Tổng thống Obama, quan hệ với các nước châu Á và ASEAN rất nồng ấm, cho thấy Mỹ rất coi trọng Đông Á và ASEAN.
Tuy nhiên, sau khi cựu Tổng thống Donald Trump, người theo đuổi chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa đơn phương cực đoan “Nước Mỹ trên hết” lên nắm quyền, mối quan hệ giữa Mỹ và các nước ASEAN rơi vào tình trạng nguội lạnh. Ông Trump hiếm khi tham dự hội nghị song phương của các nhà lãnh đạo Đông Nam Á, thậm chí còn về sớm khi lần đầu tiên tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á, về sau dứt khoát từ chối tham gia, điều này khiến các nước Đông Á thất vọng.
Kết quả là lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa Mỹ và hầu hết các nước ASEAN đã trở nên trì trệ dưới thời Chính quyền cựu Tổng thống Trump. Trong lĩnh vực quân sự và quốc phòng, Mỹ chủ yếu có một số hoạt động giao lưu, hợp tác với các nước như Philippines và Việt Nam.
Sau khi ông Biden lên nắm quyền, Washington đã xem xét tình hình và chọn chiến lược “trở lại châu Á-Thái Bình Dương,” đồng thời lấy “chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" của Mỹ do ông Trump đề xuất làm nền tảng, tiếp tục thúc đẩy và củng cố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, đưa chiến lược này mở rộng từ các phương diện quân sự và an ninh sang hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ và xây dựng hạ tầng.
Trong giai đoạn ông Trump giữ cương vị Tổng thống, ông Pompeo cũng đã nhiều lần đến Đông Á, sử dụng các biện pháp cứng rắn làm chủ đạo, trong khi Chính quyền ông Biden lại dùng biện pháp vừa cứng rắn vừa xoa dịu. Hồi tháng Tư, ông Biden đã bổ nhiệm bà Wendy Sherman, người đã đóng góp rất nhiều vào các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Mỹ-Iran, làm nhân vật số hai trong Bộ Ngoại giao Mỹ.
Cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2021, bà Sherman đã thực hiện chuyến thăm tới ba nước ASEAN là Indonesia, Campuchia và Thái Lan, để mở đường cho các hành động ngoại giao chiến lược tiếp theo của Mỹ đối với ASEAN.
Vào cuối tháng 7/2021, Chính quyền Tổng thống Biden đã khởi động toàn diện chiến lược chống Trung Quốc lấy ASEAN làm mục tiêu công kích chính.
Chiến lược này bao gồm việc Mỹ cử 3 quan chức cấp cao là Thứ trưởng Bộ ngoại giao Wendy Sherman, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Ngoại trưởng Antony Blinken đồng thời hoặc lần lượt đến thăm các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chủ yếu là các nước ASEAN.
Một mặt, Mỹ thông qua chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin hồi cuối tháng 7/2021 để tăng cường hợp tác quân sự quốc phòng với ba nước là Singapore, Việt Nam và Philippines, đặc biệt là khôi phục quan hệ hợp tác quốc phòng quân sự với Mỹ và Philippines.
Mặt khác, Mỹ đã mời Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi thăm Washington vào đầu tháng 8/2021 để mở ra “đối thoại chiến lược” mang tính thực chất giữa Mỹ và Indonesia. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ ủng hộ vaccine cho Indonesia đồng thời tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại.
Indonesia là quốc gia có dân số và diện tích biển lớn nhất trong 10 nước ASEAN. Mỹ và Indonesia đã đồng ý thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược” vào năm 2015, nhưng trong một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Blinken nói với bà Retno rằng “mối quan hệ đối thoại chiến lược giữa hai nước bây giờ mới chỉ thực sự bắt đầu.”
Bên cạnh đó, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ lần lượt thăm Singapore và Việt Nam từ ngày 22 đến 26/8. Chuyến thăm lần này của bà Harris tập trung vào việc củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực và mở rộng hợp tác trong các vấn đề an ninh.
Mặc dù vậy theo một số chuyên gia, xét từ tình hình hiện nay, Mỹ có thể cải thiện và phát triển quan hệ với các nước ASEAN ở một mức độ nhất định, nhưng Washington khó có thể tạo thành một vòng vây chiến lược trong khu vực ASEAN.
Trước tiên, ASEAN có các lập trường nguyên tắc, kế hoạch phát triển và ưu tiên của riêng mình. ASEAN lấy an ninh chính trị, an ninh kinh tế và an ninh văn hóa-xã hội làm ba trụ cột xây dựng với mục tiêu chung là tăng cường kết nối, hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, đồng thời thực hiện các nguyên tắc cơ bản dựa trên luật pháp quốc tế, đoàn kết, đồng thuận và “Phương thức tiếp cận ASEAN,” mở rộng hợp tác đối ngoại lấy ASEAN làm nòng cốt, từng bước vun đắp, phát huy và tạo nên giá trị, đặc trưng của ASEAN.
Thứ hai, các nước ASEAN có chính kiến rõ ràng về quan hệ với Trung Quốc và Mỹ và không thể phủ nhận một điều rằng Trung Quốc và các nước ASEAN là hai nước láng giềng gần gũi, quan hệ lợi ích đan xen sâu sắc.
Thứ ba, mặc dù một số nước ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc song phần lớn đều không muốn làm xung đột thêm căng thẳng. Tất nhiên, vẫn sẽ có những “đợt sóng ngầm,” song xu thế và khuôn mẫu chung của ASEAN và Trung Quốc là tiếp tục phát triển hợp tác cùng có lợi và duy trì quan hệ an ninh và ổn định. Trong bối cảnh đó, những kế hoạch và hành động của Washington đang vấp phải những trở ngại lớn./.