Cận kề thời điểm cuối năm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng trở nên cam go, khốc liệt. Một trong những mặt hàng “nóng” được nhập lậu thời gian này ngoài việc phục vụ nhu cầu hàng ngày còn để dự trữ cho hàng Tết là thuốc lá.
Dù cho có nhiều giải pháp, phương án, chuyên đề được các cơ quan chức năng xây dựng nhằm chống nạn thuốc lá nhập lậu nhưng việc thực thi vẫn còn nhiều hạn chế. Thậm chí ở nhiều địa phương, phương án vẫn chỉ “nằm” trên giấy.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay là nhận thức về chống hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại còn thiếu đồng nhất. Trong khi đó, việc xử lý các vi phạm và trình tự thủ tục còn rườm rà và mất nhiều thời gian....
Chính vì vậy việc xây dựng Đề án chống buôn lậu thuốc lá do Bộ Công Thương thực hiện được trông đợi là công cụ đắc lực kiểm soát thuốc lá nhập lậu có hiệu quả hơn.
Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), từ năm 2007 đến nay, lượng thuốc lá nhập lậu không ngừng gia tăng và chiếm tới 18-22% thị phần tiêu thụ thuốc lá nội địa.
Nếu như năm 2007, có khoảng 630 triệu bao nhập lậu vào nước ta thì đến nay con số này đã lên tới gần 1 tỷ bao. Cùng với đó, thị trường Việt Nam có hơn 100 nhãn hiệu thuốc lá nhập lậu, trong đó hai nhãn hiệu Jet và Hero chiếm tới 90%.
Riêng địa bàn Hà Nội, theo thống kê có tới 42.689 điểm kinh doanh thuốc lá tại quán nước, hàng xén, quán cà phê…; trong đó chỉ có 221 điểm kinh doanh chuyên về thuốc lá.
Một số tuyến phố được coi là “điểm nóng” tiêu thụ thuốc lá ngoại trên địa bàn Hà Nội như Hàng Hành, Nguyễn Siêu, Hàng Buồm, Lý Thái Tổ, Trần Xuân Soạn, Tôn Đức Thắng, Khâm Thiên…
Đáng báo động, trên địa bàn Hà Nội có đến 100% nhà hàng đều có thuốc lá lậu, 100% điểm bán thuốc lá lẻ có thuốc lá lậu và dù đã xử phạt nhưng vẫn chưa thấm vào đâu.
Ông Phạm Kiến Nghiệp, Tổng Thư ký VTA cho biết mặc dù bị đưa vào danh mục mặt hàng cấm và xử lý vi phạm hình sự nhưng tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn không giảm.
Để không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, các đầu nậu đối phó bằng cách xé lẻ lô hàng, thuê dân cư khu vực biên giới vận chuyển bằng nhiều hình thức vào nội địa.
Dưới sự chỉ đạo tập trung của Ban chỉ đạo 127/TW, các lực lượng chức năng quản lý nhà nước như biên phòng, hải quan, cảnh sát, quản lý thị trường… đã triệt phá nhiều tổ chức buôn lậu.
Tuy nhiên, kết quả còn ở mức độ khiêm tốn, trung bình mỗi năm bắt giữ và tiêu hủy… hơn 1% lượng thuốc lá nhập lậu.
Theo ông Trương Quang Hoài Nam, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận nhân dân đối với một số loại thuốc lá điếu ngoại nhập lậu (chủ yếu là Jet, Hero, Esse, Malboro…) còn cao do các mặt hàng này có giá phù hợp và đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, trung bình lợi nhuận mỗi bao thuốc lá lậu Jet, Hero khi bán được từ 5.000 đồng - 6.000 đồng/bao so với 200 đồng/bao khi kinh doanh hợp pháp.
Mặt khác, công tác kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này chưa thường xuyên, đồng bộ, đã có nhiều phương án, chuyên đề đã được lực lượng chức năng đưa ra, nhưng việc thực hiện chế tài còn rất hạn chế. Thậm chí nhiều chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt vào cuộc.
Hiện nay, mặc dù sản xuất trong nước có khả năng đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng tương tự như thuốc lá nhập lậu nhưng lại phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 65%, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp nên không thể cạnh tranh về giá với thuốc lá lậu.
Bên cạnh đó, các nhãn thuốc lá nhập lậu trên thị trường hiện nay đều có kiểu dáng lôi cuốn người sử dụng. Trên bao bì không có bất kỳ thông tin nào về cảnh báo sức khỏe, trong khi các nhãn thuốc nội phải in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc cạnh tranh trở nên khó khăn hơn.
Ông Trương Quang Hoài Nam cho rằng thuốc lá nhập lậu được coi là mặt hàng trọng điểm trong công tác chống buôn lậu. Vì vậy, trong quý 4/2013 và trong năm 2014 việc chống buôn lậu thuốc lá sẽ là trọng điểm của ngành quản lý thị trường.
Trong đó, các lực lượng chức năng phối hợp với các chính quyền địa phương kiên quyết triệt phá các đường dây, ổ nhóm, đặc biệt là các đầu nậu. Ngoài ra, các lực lượng cần tăng cường kiểm soát nội địa, phạt nặng những người buôn bán thuốc lá lậu, cho dù một gói. Khi thị trường trong nước không chấp nhận thì lúc đó thuốc lá lậu sẽ bị tẩy chay.
Để ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu, ngay từ các địa phương cũng phải chủ động xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp rà soát các điểm kinh doanh thuốc lá điếu trên địa bàn để kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm đối với các đối tượng có hành vi vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh thuốc lá nhập lậu.
Từ nay đến cuối năm, lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu biên giới, cửa khẩu hàng không, bến xe… các điểm nóng về buôn bán thuốc lá nhập lậu.
Tuy nhiên, việc nâng cao ý thức từ các địa phương đến các đơn vị, hộ kinh doanh thuốc lá đến người tiêu dùng nên sáng suốt trong việc tiêu thụ cũng là nguyên nhân rất quan trọng nhằm ngăn chặn nguồn thất thu thuế của Nhà nước.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã tiếp ông Jon Fernandez de Barrena - Tổng Giám đốc văn phòng đại diện Inperial Tobacco tại Việt Nam.
Tại buổi gặp mặt, ông Jon Fernandez de Barrena cho rằng ngành công nghiệp thuốc lá thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang góp phần không nhỏ vào ngân sách nhà nước; giải quyết công việc cho hàng ngàn người lao động.
Tuy nhiên hiện nay, vấn nạn thuốc lá lậu đang là mối đe dọa lớn cho việc phát triển bền vững ngành. Vì vậy, công tác chống buôn lậu ở các quốc gia cần được sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để cùng “chiến đấu” với thuốc lá nhập lậu.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa khẳng định trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các doanh nghiệp trong việc phát triển ngành thuốc lá cũng như bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, tích cực xây dựng đề án chống buôn lậu thuốc lá làm cơ sở để các lực lượng chức năng quyết liệt thực thi trong công tác chống buôn lậu mặt hàng này đạt hiệu quả cao./.