Thêm một mặt hàng của Mỹ vào "tầm ngắm" của Trung Quốc

Căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục gia tăng, sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc mở cuộc điều tra chống bán phá giá nhằm vào chất hóa học n-propanol (NPA) nhập khẩu từ Mỹ.
Thêm một mặt hàng của Mỹ vào "tầm ngắm" của Trung Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Business Standard)

Ngày 23/7, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo đã mở một cuộc điều tra chống bán phá giá nhằm vào chất hóa học không màu n-propanol (NPA) nhập khẩu từ Mỹ. Theo một thông báo của bộ trên, cuộc điều tra dự kiến sẽ kết thúc trước ngày 23/7/2020, nhưng có thể kéo dài tới ngày 23/1/2021.

NPA được sử dụng như một dung môi trong ngành công nghiệp dược, chủ yếu dùng làm chất dẻo và cellulose este. Hóa chất này còn là một dung môi sử dụng trong ngành công nghiệp sơn và in ấn.

Trung tuần tháng 6 vừa qua, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo sẽ tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng cao su tổng hợp ethylene propylene (EPDM) nhập khẩu từ Mỹ cùng Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU) sau khi nhận được yêu cầu từ các công ty hóa dầu lớn. 

Biện pháp thương mại nói trên được đưa ra theo yêu cầu của công ty Shanghai Sinopec Mitsui Elastomers Co. Ltd và công ty Jilin Petrochemical - một đơn vị trực thuộc Tập đoàn Xăng dầu quốc gia Trung Quốc (CNPC). Đây đều là các nhà sản xuất EPDM hàng đầu. Cao su EPDM là một sản phẩm hóa học được sử dụng rộng rãi để sản xuất dây cáp điện và lốp xe.

[Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ giảm giảm gần 90% trong 2 năm]

Theo một văn bản do hai công ty nói trên nộp cho Bộ Thương mại Trung Quốc, năm 2018, lượng EPDM mà Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ, Hàn Quốc và EU lần lượt đạt 105.797 tấn, 53.413 tấn và 25.368 tấn. Tổng lượng EPDM mà ba quốc gia và khu vực nói trên xuất sang Trung Quốc chiếm đến gần 80% tổng lượng nhập khẩu mặt hàng này của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong khi đó, cũng theo văn bản nói trên, giá xuất khẩu EPDM của Mỹ, Hàn Quốc và EU thấp hơn mức giá của mặt hàng này trên thị trường Trung Quốc và việc này đã gây ra thiệt hại đáng kể cho các nhà sản xuất trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.