Thêm một quốc gia sơ tán công dân khỏi Nam Phi do làn sóng bạo lực

Mozambique trở thành quốc gia châu Phi thứ hai sau Nigeria đưa công dân đang sinh sống tại Nam Phi về nước, trong bối cảnh làn sóng bạo lực bài ngoại đang làm rúng động dư luận.
Cảnh sát bắt giữ những kẻ tình nghi liên quan tới các vụ tấn công nhằm vào người nước ngoài tại Nam Phi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, kênh truyền hình STV Noticias ngày 10/9 dẫn tuyên bố của Tổng thống Mozambique Filipe Nyusi cho biết, chính phủ nước này hiện đang tiến hành các thủ tục sơ tán công dân khỏi Nam Phi, sau khi các cuộc tấn công mang tính chất bài ngoại tại quốc gia láng giềng đã khiến hơn 500 người bị mất nhà cửa.

Trước đó, Nigeria cũng tuyên bố sẽ sơ tán khoảng 600 công dân khỏi Nam Phi trên các chuyến bay miễn phí do hãng hàng không tư nhân Air Peace Airlines của nước này tài trợ. Theo phái bộ ngoại giao Nigeria tại Nam Phi, chuyến bay đầu tiên sẽ rời thành phố Johannesburg của Nam Phi về Nigeria vào ngày 12/9. Theo một số liệu không chính thức, hiện có khoảng 30.000 người Nigeria đang làm việc và sinh sống tại Nam Phi.

Trong một diễn biến liên quan, phát biểu trước Quốc hội Nam Phi ngày 10/9, Bộ trưởng Quốc phòng và Cựu chiến binh Nosiviwe Mapisa-Nqakula cho rằng làn sóng bạo lực diễn ra trong thời gian gần đây do những phần tử tội phạm thuộc nhiều quốc tịch, thành phần khác nhau gây ra. Bà Nqakula đưa ra dẫn chứng, trong số 12 nạn nhân thiệt mạng sau những vụ bạo lực vừa qua, có tới 10 người mang quốc tịch Nam Phi, qua đó thấy rằng đây không hoàn toàn là những vụ tấn công mang tính bài ngoại.

Trong khi đó, Cảnh sát Nam Phi tuyên bố đã bắt giữ gần 300 nghi phạm liên quan đến các vụ tấn công diễn ra trong hai tuần qua chủ yếu tại tỉnh Gauteng, nơi có thủ đô Pretoria và thành phố Johannesburg.

[Nam Phi trấn an quan ngại của quốc tế về tình trạng bài ngoại]

Trước đó, hôm 9/9, tại buổi gặp mặt các phái đoàn ngoại giao châu Phi tại Pretoria, Bộ trưởng Ngoại giao Nam Phi Naledi Pandor nêu rõ, ngoài việc thổi phồng tình trạng bạo lực vì động cơ chính trị, những di sản còn lại của chế độ phân biệt chủng tộc Aparthied như sự bất bình đẳng trong xã hội là một trong những lý do căn bản dẫn đến làn sóng bạo lực nhằm vào người nước ngoài trong thời gian qua.

Bộ trưởng Pandor cho rằng đây là những thách thức đáng kể về kinh tế xã hội, do đó cần tìm ra nguyên nhân sâu xa, cũng như những giải pháp mang tính lâu dài và triệt để nhằm giải quyết một cách gốc rễ tình trạng này.

Là nền kinh tế phát triển nhất tại châu Phi, Nam Phi là điểm đến ưa thích của những người lao động từ nhiều quốc gia trong khu vực như Nigeria, Somalia, Zimbabwe, Mozambique, Malawi và một số nước Nam Á. Tuy nhiên, nhóm người lao động nước ngoài phải đối mặt với tư tưởng chống người di cư tại Nam Phi, nơi mà họ phải cạnh tranh với người lao động nước sở tại.

Theo Trung tâm Di cư và xã hội châu Phi, làn sóng bạo lực bài ngoại tại Nam Phi lên đến đỉnh điểm hồi năm 2008 với hơn 100 người thiệt mạng. Trong năm 2018, có hơn 40 người nước ngoài đã thiệt mạng trong các vụ tấn công tại Nam Phi. Theo số liệu thống kê không chính thức, khoảng 3,5 triệu người nước ngoài hiện đang sinh sống và làm việc tại quốc gia phát triển nhất châu Phi này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục