Thêm nguy cơ khiến cá tra Việt Nam “mắc cạn” ở thị trường Hoa Kỳ

Hoa Kỳ sẽ thực hiện kiểm tra 100% lô hàng cá da trơn nhập khẩu từ Việt Nam sớm hơn thời hạn 1/9/2017, điều này khiến việc giao hàng sẽ kéo dài và chi phí xuất khẩu tăng cao.
Thêm nguy cơ khiến cá tra Việt Nam “mắc cạn” ở thị trường Hoa Kỳ ảnh 1Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Hùng Cá, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Thay vì thực hiện kiểm tra 100% lô hàng cá da trơn nhập khẩu từ Việt Nam kể từ ngày 1/9/2017 theo thỏa thuận trước đó, phía Hoa Kỳ mới đây thông báo chuyển thời gian triển khai sớm hơn một tháng.

Điều này đang khiến các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này gặp nhiều khó khăn, nhất là lo ngại việc giao hàng có thể bị kéo dài và chi phí xuất khẩu có thể bị “đội” lên.

Những thông tin đáng lo ngại

Theo thông báo mới này, tất cả các lô hàng cá da trơn nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ ngày 2/8/2017 sẽ được Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) kiểm tra tại các cơ sở kiểm tra nhập khẩu chính thức (i-house). Tại đây, FSIS sẽ tiến hành kiểm tra chất lượng sản phẩm về an toàn thực phẩm, bao bì, thành phần dinh dưỡng…

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn - một trong những doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ - bày tỏ lo lắng không biết điều gì sẽ xảy ra khi Hoa Kỳ thực thi Chương trình giám sát cá da trơn.

Theo bà Khanh, điều kiện cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ hiện vẫn chưa có đủ khả năng để thực thi theo chính sách này. Một số cơ sở kiểm tra nhập khẩu chính thức được chỉ định vẫn đang còn trong quá trình xây dựng. Nếu thực thi giám sát nhiều khả năng sẽ xuất hiện tình trạng ùn ứ ngay lập tức.

Thông tin cụ thể hơn về vấn đề này, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, chương trình thanh tra cá da trơn nhập khẩu vào Hoa Kỳ đã có từ trước đó và các doanh nghiệp đã có thời gian để chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu theo quy định.

Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp đã có kế hoạch xuất khẩu trong thời gian này thì việc đẩy thời gian kiểm tra sớm hơn 1 tháng sẽ khiến doanh nghiệp bị động và có thể chi phí phát sinh sẽ nhiều hơn.

Theo ông Hòe, vấn đề quan ngại nhất hiện nay là năng lực các cơ sở kiểm tra nhập khẩu chính thức được USDA chỉ định có đáp ứng được nhu cầu của các nhà xuất khẩu hay không?

Hiện, ở Hoa Kỳ chỉ có 40 cơ sở kiểm tra nhập khẩu chính thức được USDA chỉ định, nằm ở các bang khác nhau, nhưng chỉ có một số kho làm dịch vụ hoàn toàn.

Nhiều cơ sở kiểm tra nhập khẩu chính thức trước giờ chỉ chuyên về thịt hoặc các sản phẩm đông lạnh khác. Do vậy, có thể xảy ra tình huống những cơ sở này không tiếp nhận cá tra.

[Cá tra Việt Nam đang tìm đường đến với các thị trường khó tính]

Ngoài ra, năng lực của những cơ sở kiểm tra nhập khẩu chính thức này không đủ, có thể xảy ra tình trạng hàng hóa phải lưu kho dài hơn, dẫn đến việc kiểm tra của FSIS cũng sẽ kéo dài hơn. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp phải trả chi phí lưu kho lớn hơn, khó đảm bảo kế hoạch giao hàng cho các nhà nhập khẩu.

Trước tình hình này, đại diện VASEP cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm làm việc với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ để tháo gỡ những vướng mắc này nhằm tránh việc hàng hóa bị ách tắc, không kịp giao hàng cho đối tác.

“Vừa hợp tác, vừa đấu tranh”

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) cho hay, trong công hàm gửi NAFIQAD, FSIS cho biết việc thay đổi thời gian thực hiện Chương trình thanh tra cá da trơn nhập khẩu sớm hơn 1 tháng là theo yêu cầu của Đạo Luật chuẩn chi ngân sách của Quốc hội Hoa Kỳ.

Dưới góc độ của cơ quan chuyên môn kỹ thuật, ngay sau khi nhận được thông báo trên, NAFIQAD đã có công hàm gửi FSIS bày tỏ quan ngại việc Hoa Kỳ thay đổi thời gian thực hiện Chương trình giám sát cá da trơn nhập khẩu.

Theo ông Tiệp, do việc thay đổi này phía Hoa Kỳ không thông báo trước nên nhiều khả năng một số lô hàng xuất khẩu sang thị trường này sau ngày 2/8/2017 sẽ gặp phải một số khó khăn.

Các doanh nghiệp có thể phải chịu thêm chi phí khi đưa các cơ sở kiểm tra nhập khẩu chính thức hoặc sản phẩm có khả năng chưa đáp ứng hoàn toàn các quy định của Hoa Kỳ. Do vậy, NAFIQAD đề nghị phía Hoa Kỳ cần có sự linh hoạt và tạo điều kiện thuận lợi để không làm gián đoạn việc xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam sang nước này.

Ngoài ra, NAFIQAD cũng có văn bản gửi các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá da trơn sang Hoa Kỳ cần chủ động liên hệ với nhà nhập khẩu để tuân thủ quy định nêu trên. Đặc biệt, lưu ý các doanh nghiệp cần chú ý trong việc ghi nhãn sản phẩm phù hợp với quy định của FSIS từ tên sản phẩm, hướng dẫn bảo quản, thành phần, thông tin dinh dưỡng…

Tại Hội nghị bàn giải pháp phát triển bền vững ngành hàng cá tra vừa tổ chức ở Tiền Giang, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám khẳng định quan điểm tiếp cận của Việt Nam đối với thị trường này. Đó là vừa hợp tác, vừa đấu tranh; đồng thời, tập trung rà soát, tổ chức lại sản xuất để đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai đồng bộ một số giải pháp liên quan đến Chương trình thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ.

Cụ thể, “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực hợp tác kỹ thuật với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ nhằm đảm bảo những yêu cầu về đánh giá tương đương. Việt Nam cũng sẽ tăng cường vận động hành lang với giới chức và đối tác Mỹ, để họ thấy rằng, chương trình giám sát cá da trơn là vô lý và tốn kém, không phù hợp với thông lệ quốc tế. Quan trọng hơn là không để họ “nhân bản” mô hình kiểm soát này sang tôm và những nông sản khác. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chuẩn bị các điều kiện cần thiết để kiện Hoa Kỳ ra WTO trong trường hợp vấn đề trên ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam,” Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết.

Theo các chuyên gia, trong những năm qua, Hoa Kỳ là một trong những thị trường nhập khẩu cá tra chủ yếu của Việt Nam, tuy nhiên các tiêu chuẩn kỹ thuật mang tính phòng vệ quá mức, vượt quá yêu cầu kiểm soát an toàn thực phẩm.

Kèm theo đó là thuế chống bán phá giá cá tra còn cao nên trong thời gian gần đây, xuất khẩu cá tra sang thị trường này liên tục gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình này, đã có sự dịch chuyển thị trường trong cơ cấu xuất khẩu của ngành. Thay vì tập trung vào thị trường này, các doanh nghiệp cá tra đã chuyển sang các thị trường tiềm năng khác như Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN...

Việc đa dạng hóa để tránh phụ thuộc vào một thị trường nào đó là điều cần thiết, tuy vậy Hoa Kỳ vẫn là một trong những thị trường có ảnh hưởng rất lớn đến việc định vị giá trị, uy tín cá tra Việt trên thị trường thế giới. Do vậy, các doanh nghiệp cũng không nên "lơ là" việc đẩy mạnh xuất khẩu cá tra vào thị trường này./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.