Ngày 13/5, trong các chương trình tiếp xúc cử tri vận động bầu cử tại Bắc Ninh, Tuyên Quang và Bình Định, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV đã trình bày chương trình hành động nếu trúng cử.
Nhiều chương trình hành động nhấn mạnh đến phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giải quyết việc làm cho người lao động, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển y tế, giáo dục, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao công tác khám chữa bệnh và phòng, chống dịch COVID-19...
Ngày 13/5, các ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Bình Định, nhiệm kỳ 2021-2026, đã hoàn thành chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ bầu cử.
[Bầu cử QH: Trách nhiệm từ chương trình hành động của mỗi người ứng cử]
Tại điểm tiếp xúc thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) và tại thị trấn Vân Canh (huyện miền núi Vân Canh), đoàn ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Bình Định đã tiếp xúc cử tri, ông Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chia sẻ với nhân dân vùng đất võ về những khó khăn trong tình hình phát triển kinh tế hiện nay.
Bộ trưởng chia sẻ: “Tôi biết khó khăn của bà con làm nông nghiệp, trồng mía khi nhà máy đường đã bị phá sản. Trước đây, tại tỉnh Nghệ An, sau 16 năm làm nhà máy đường thì nhà máy có lãi 600 tỷ đồng. Tỉnh đã dùng 200 tỷ đồng trả ngân hàng và 400 tỷ đồng còn lại xây dựng được một bệnh viện. Đó là một trong những mô hình thành công của chương trình mía đường... Với vùng đất Tây Sơn hào kiệt, có bề dày văn hóa, lịch sử, nếu tôi được là đại biểu đại diện của tỉnh Bình Định tại Quốc hội, tôi sẽ kết nối bà con nông dân với các mô hình kinh tế phát triển. Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt các mô hình kinh tế để bà con thực hiện, hợp tác làm theo.”
Tại các điểm tiếp xúc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ Nhà nước luôn dành nguồn lực tài chính lớn để đầu tư hạ tầng, các dự án kinh tế và phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Hiện nay và sắp tới, Quốc hội, Chính phủ đều dành ưu tiên cho những dự án kinh tế có tính đột phá, sức lan tỏa rộng, giúp định hướng đầu tàu phát triển kinh tế cho các địa phương.
Tại đơn vị bầu cử số 2, các ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Bình Định đã có buổi tiếp xúc với cử tri cụm điểm xã Ân Tín (huyện Hoài Ân).
Ứng viên Đồng Ngọc Ba, Tiến sỹ, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho biết ý kiến của nhân dân gửi gắm đến các ứng viên đại biểu Quốc hội đều rất chính đáng.
Cử tri cụm điểm Ân Tín bày tỏ mong muốn địa phương, đất nước phát triển, đời sống đồng bào đi lên. Đặc biệt, nhiều ý kiến sát thực, đúng với chức năng, nhiệm vụ lập pháp, giám sát tối cao của Quốc hội.
Bên cạnh chương trình tiếp xúc cử tri của các ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV, chương trình tiếp xúc cử tri của các ứng viên Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định khóa 2021-2026 sẽ kết thúc vào ngày 14/5.
Tại Bắc Ninh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện vận động bầu cử.
Tại điểm cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh có 4 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc đơn vị bầu cử số 1 và 12 người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 thuộc đơn vị bầu cử số 1 và số 3. Điểm cầu này được nối với các điểm cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Bắc Ninh và 11 phường thuộc thành phố.
Tại buổi tiếp xúc, các đại biểu ứng cử đã trình bày chương trình hành động của mình khi được bầu làm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh.
Thông qua buổi tiếp xúc nhằm tạo điều kiện cho những người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, nắm bắt những tâm tư, tình cảm cử tri; đồng thời tạo điều kiện cử tri có điều kiện tìm hiểu thông tin người ứng cử để bầu cử, lựa chọn, quyết định bầu những người đủ tiêu chuẩn, xứng đáng đại diện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình. Đặc biệt trước tình hình dịch COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, phương thức tiếp xúc trực tuyến phát huy hiệu quả cao.
Sau khi nghe chương trình hành động của những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, đại diện cử tri thành phố Bắc Ninh đánh giá cao chương trình hành động của các ứng cử viên. Các chương trình hành động bám sát chức năng vị trí từng người ứng cử, nói trúng những vấn đề cử tri thành phố như xây dựng các chính sách pháp luật, giải quyết việc làm, phát triển y tế, giáo dục, ô nhiễm môi trường và phòng, chống dịch COVID-19...
Qua nghe các ứng cử viên trình bày chương trình hành động, các cử tri ghi nhận năng lực, trình độ chuyên môn, sự tâm huyết, chân thành của các ứng cử viên. Cử tri thành phố Bắc Ninh mong muốn các đại biểu sau khi trúng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh sẽ thực hiện tốt chương trình hành động của mình, thường xuyên giữ mối liên hệ với cử tri, lắng nghe, phản ánh tâm tư, tình cảm cử tri để gửi đến Quốc hội và các cơ quan chức năng.
Đồng thời, cử tri thành phố Bắc Ninh mong muốn các đại biểu, trên cương vị của mình có nhiều đóng góp cho Quốc hội, tỉnh và thành phố Bắc Ninh. Đặc biệt, cử tri mong muốn, các đại biểu ứng cử sau khi trúng cử cần quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân, chung tay kiểm soát dịch COVID-19...
Tại xã Thái Sơn và xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang - đơn vị bầu cử số 2, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Thái Sơn và Đức Ninh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhằm tạo điều kiện cho người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri để báo cáo chương trình hành động của mình. Qua đó, giúp cử tri hiểu hơn về người ứng cử và có cơ sở để cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội khóa XV.
Các ứng cử viên đã trình bày chương trình hành động, bày tỏ niềm vinh dự, tự hào và thể hiện quyết tâm không ngừng học tập nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, tận tâm, tận lực làm tròn trách nhiệm của người đại biểu nhân dân nếu được bầu; cùng với các vị đại biểu Quốc hội khác hoàn thành kế hoạch, chương trình mà Quốc hội đề ra trên cả 3 chức năng là lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước, gương mẫu chấp hành pháp luật; thường xuyên gặp gỡ tiếp xúc cử tri nơi mình ứng cử, giữ mối liên hệ với nhân dân, tôn trọng lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân để phản ánh trung thực, kịp thời với Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền về những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân; tích cực nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành và các cơ quan chức năng về những chính sách về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; đảm bảo quốc phòng, an ninh, giải quyết việc làm cho người lao động; xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân từ cơ sở...
Cử tri bày tỏ niềm vui mừng, tin tưởng các ứng cử viên nếu trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV sẽ giữ đúng lời hứa của mình trước cử tri; luôn giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, thực hiện tốt trách nhiệm của đại biểu nhân dân; tích cực phối hợp với lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ ban hành, triển khai nhiều đề án, chương trình phát triển kinh tế-xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân...
Tỉnh Tuyên Quang có 12 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại 3 đơn vị bầu cử. Tổng số đại biểu Quốc hội được bầu tại tỉnh là 6 đại biểu, trong đó 4 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương, 2 đại biểu do Trung ương giới thiệu.
Tuyên Quang có 600.182 cử tri; 3 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội; 14 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh; 56 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện; 839 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân xã; 1.342 khu vực bỏ phiếu./.