Then trong đời sống đương đại: Bước khỏi không gian ‘thiêng’

Các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa cho rằng cần đa dạng hóa phương thức bảo tồn di sản này trên cơ sở lưu giữ những giá trị nguyên gốc.
Thực hành Then trong nghi lễ cấp sắc của người Tày ở Bắc Kạn. (Ảnh: Vietnam+)

Việc Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Dách sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã cho thấy những giá trị to lớn của di sản này đồng thời khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa chung của nhân loại.

“Cùng với việc được ghi danh là trách nhiệm đặt ra đối với Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trong đời sống đương đại,” giáo sư-tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, nhấn mạnh.

Nghi lễ Then có gì?

Giáo sư-tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh cho biết trong quan niệm dân gian, “Then” có nghĩa là “Trời.” Đó vừa là một nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái vừa là một loại hình diễn xướng dân gian, tích hợp nhiều bộ môn nghệ thuật: văn học, âm nhạc, múa…

Hệ thống bài bản của Then bao gồm khoảng 4.000 câu với nội dung phong phú, phản ánh đa dạng các mặt của đời sống xã hội: thiên nhiên, muông thú, bản mường, tang ma...

[Photo] Thực hành Then trở thành di sản văn hóa phi vật thể thế giới

Thông qua những quan niệm về Mường Trời (nơi cư ngụ của các thần linh), Mường Đất (nơi cư ngụ của con người), người Tày, Nùng, Thái giải thích về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, vũ trụ cũng như bày tỏ ước vọng về cuộc sống no ấm, mạnh khỏe, mùa màng tốt tươi… Bởi vậy, thực hành Then thường diễn ra ở những sự kiện quan trọng như lễ cầu an, cầu mùa, mừng nhà mới…

Nhân vật quan trọng bậc nhất của một cuộc Then là thầy Then. Đó được coi là cầu nối, người đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh.

Thầy Then thường sử dụng các đồ vật (kiếm trừ tà, thanh âm dương, chuông...) và lễ vật (thịt lợn, gà, xôi, rượu, gạo, hoa quả, vàng mã…) để thực hiện lễ Then. Trong quá trình thực hành nghi lễ, thầy Then mặc lễ phục và vừa hát tiếng dân tộc mình vừa gảy tính tẩu, phất quạt và sử dụng chùm xóc nhạc.

Múa chầu trong diễn xướng Then của người Tày ở Lạng Sơn. (Ảnh: Vietnam+)

Lời ca có vai trò chỉ dẫn cho người xem về các hoạt cảnh, chương đoạn đang diễn ra. Âm nhạc là yếu tố xuyên suốt trong một cuộc Then, có sự ảnh hưởng, tiếp thu các làn điệu dân ca ở từng địa phương , tạo nên sự đa dạng về màu sắc, khúc thức và tiết tấu: khi tươi vui, dồn dập, lúc trầm buồn, thủ thỉ…

“Di sản Thực hành Then là một không gian độc đáo mang tính sử liệu về đời sống văn hóa, xã hội tộc người; góp phần quan trọng vào việc giáo dục đạo đức, lối sống nhân đạo, gìn giữ các phong tục, tập quán truyền thống ở Việt Nam,” giáo sư-tiến sỹ Tô Ngọc Thanh cho hay.

Vượt ra ngoài nghi lễ tâm linh

Đại diện Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết di sản này chủ yếu được trao truyền bằng hình thức truyền khẩu khi thực hành nghi lễ Then và các thầy Then đóng vai trò quan trọng trong việc truyền dạy kỹ năng. Điều này cũng thể hiện sự kế tục giữa các thế hệ.

Từ đó, giáo sư-tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh cho rằng các ban, ngành, đơn vị chức năng cần đặc biệt quan tâm đến nghệ nhân hát Then, thầy Then. “Họ là những người nắm giữ nhiều vốn cổ, không chỉ có khả năng truyền dạy kỹ năng thực hành nghi lễ mà còn truyền cả đam mê, nhiệt huyết trong việc gìn giữ di sản cho thế hệ trẻ,” Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian chia sẻ.

Bên cạnh việc kiểm kê và tư liệu hóa di sản, nhiều ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa cũng cho rằng cần đa dạng hóa phương thức bảo tồn di sản này trên cơ sở lưu giữ những giá trị nguyên gốc.

Nghệ nhân Hoàng Đức Thăng (Hà Giang) truyền dạy cách sử dụng đàn tính cho thế hệ trẻ. (Ảnh: TTXVN)

Cụ thể, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) cho biết từ những làn điệu Then cổ phổ biến, nhiều nhạc sỹ đã viết lời mới để nội dung phù hợp hơn với cuộc sống đương đại. Ví dụ như ca khúc “Lập xuân” của tác giả Nông Viết Toại, bài hát Trăng soi đường Bác của nhạc sỹ Hoàng Hoa Cương...

“Họ đã đưa Then từ không gian ‘thiêng’ đến không gian sân khấu, trở thành hình thức sinh hoạt cộng đồng để Then gần gũi hơn với khán giả hiện đại. Đây là một hướng đi hợp lý bởi di sản văn hóa phi vật thể luôn có sự vận động theo đời sống, thời gian. Khi ngôn ngữ, sinh hoạt thay đổi thì nghệ thuật cũng biến đổi. Để di sản ‘sống’ khỏe trong đời sống đương đại thì cần có những yếu tố phù hợp với đời sống mới,” ông Đặng Hoành Loan nói.

Trao đổi sâu hơn về vấn đề này, nhà nghiên cứu cho biết trên thực tế, do điều kiện lịch sử, Thực hành Then từng bị cấm đoán trong một thời gian bởi quan niệm đây là hoạt động mê tín dị đoan. Tuy nhiên, cộng đồng vẫn giữ, hát Then, thậm chí đặt lới mới cho những làn điệu cũ nhưng không đi kèm với các nghi lễ.

Từ đó, cộng đồng dần hình thành lối sinh hoạt nghệ thuật quần chúng hát Then-đàn tính (không gắn với nghi thức tôn giáo). Từ năm 2005 đến nay, Liên hoan nghệ thuật hát Then-đàn tính toàn quốc thường xuyên được tổ chức, góp phần tôn vinh nghệ nhân, quảng bá, giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế về những nét độc đáo của di sản này.

Ở góc độ khác, ông Đặng Hoành Loan cho rằng cần đẩy mạnh việc đào tạo, truyền dạy hát Then cho thế hệ trẻ, đưa hát Then và tính tẩu vào chương trình giảng dạy ở trường học, trước hết là các trường ở những địa phương có di sản này.

“Ngoài ra, việc xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả của những câu lạc bộ hát Then tại các địa phương cũng là cách để di sản gần gũi, gắn bó với đời sống người dân,” ông Đặng Hoành Loan bày tỏ./.

Trong khuôn khổ Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO tại Colombia, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 13 của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Cụ thể, các di sản này bao gồm: Nhã nhạc cung đình Huế; Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca Quan họ Bắc Ninh; Ca trù; Hội Góng ở Đền Phù Đổng và Đền Sóc; Hát Xoan Phú Thọ, Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; Đờn ca tài tử Nam Bộ; Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; Nghi lễ và trò chơi Kéo co (di sản đa quốc gia gồm Việt Nam, Hàn Quốc, Philippines, Campuchia); Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ; Nghệ thuật Bài Chòi ở Trung Bộ và Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục