Theo chân cảnh sát giao thông đường thủy đo nồng độ cồn lái tàu

Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa trên sông là nhiệm vụ thường xuyên của lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy.

Với địa bàn quản lý hơn 100km đường sông, công tác kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa trên sông Hồng là nhiệm vụ thường xuyên của Đội Cảnh sát giao thông đường thủy số 1, Phòng cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội.

Sau khi kiểm tra các giấy tờ về phương tiện, chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ, tổ công tác sẽ tiến hành đo nồng độ cồn với người điều khiển và thuyền trưởng. Bên cạnh đó, tổ công tác cũng kiểm tra các điều kiện an toàn trên phà chở khách qua sông.

[Xử phạt thuyền trưởng vi phạm nồng độ cồn trên sông Lô]

Theo các lái tàu thủy nội địa, do cuộc sống lên đênh trên sông nước, trước đây họ thường có thói quen uống rượu, bia cho khuây khỏa. Nhưng khi được lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy tuyên truyền về tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông thì thói quen này đã dần thay đổi.

Nghị định 139/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy, nếu người lái hoặc thuyền viên trong ca trực mà có nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng. Ở mức cao hơn, nếu nồng độ cồn chưa vượt quá 0,4miligam/1 lít khí thở, mức phạt sẽ tăng lên 5-10 triệu đồng, hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ chuyên môn từ 01 tháng đến 02 tháng. Trường hợp vượt quá mức trên bị phạt 20-35 triệu đồng đồng thời tước quyền sử dụng chứng chỉ chuyên môn từ 02 tháng đến 04 tháng./.

(Vietnam+)