Thi tốt nghiệp THPT: Triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ học sinh khó khăn

Chỉ còn hơn một tuần nữa Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 sẽ chính thức diễn ra. Các địa phương đã và đang nỗ lực để hỗ trợ học sinh khó khăn, không để em nào bị bỏ lại phía sau.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Chi động viên học sinh ôn thi tốt nghiệp tại tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Chi động viên học sinh ôn thi tốt nghiệp tại tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Lập danh sách và kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí ăn ở cho học sinh ôn thi, liên hệ để lo chỗ trọ cho các em trong những ngày thi, lên kế hoạch đưa học sinh ở xa đến điểm thi… là hàng loạt giải pháp đồng hành cùng thí sinh đã được các địa phương triển khai với mục tiêu không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Kêu gọi tài trợ, lập tổ công tác đặc biệt

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên Nguyễn Văn Đoạt, Sở đã lập danh sách gần 500 thí sinh dự thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay có hoàn cảnh khó khăn, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, ủy ban nhân dân các huyện kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ cho học sinh.

Ngoài các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, từ ngày 1/6, toàn tỉnh có gần 2.000 học sinh lớp 12 đang học tại các trường bán trú không được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước (vì đã kết thúc năm học). Để giúp học sinh yên tâm ôn thi, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các trường phối hợp với phụ huynh huy động các nguồn lực để tổ chức nấu ăn cho các em.

“Là tỉnh miền núi, điều kiện sống của người dân nhiều khó khăn nên đây là việc làm thường niên của ngành giáo dục Điện Biên trong các kỳ thi tốt nghiệp hàng năm,” ông Đoạt nói.

Trong kỳ thi năm 2023, Điện Biên cũng đã vận động, tiếp nhận ủng hộ hơn 156 triệu đồng, giúp gần 500 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức hỗ trợ trung bình từ 300-500 đồng/học sinh.

d2bf21f46b20c87e9131.jpg
Học sinh miệt mài ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Tương tự, tại Lào Cai, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Dương Bích Nguyệt cho hay đã chỉ đạo các trường lập tổ công tác đặc biệt, trong đó hiệu trưởng là tổ trưởng; bí thư đoàn trường là tổ phó, giáo viên chủ nhiệm là thành viên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh học sinh và có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Mục tiêu đặt ra là không để học sinh nào phải bỏ thi vì hoàn cảnh khó khăn.

Lào Cai cũng tích cực vận động kinh phí từ các tổ chức, cá nhân, phụ huynh tổ chức bữa trưa miễn phí hoặc giá rẻ cho học sinh khó khăn. Các điểm thi được bố trí gần các cơ sở giáo dục có khu bán trú để sắp xếp chỗ ở cho học sinh ở các trường về dự thi; phối hợp với cha mẹ học sinh để có thể nấu ăn cho thí sinh ở tập trung tại các trường phổ thông dân tộc nội trú huyện đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, quản lý học sinh. Ngành giáo dục phối hợp với đoàn thanh niên thực hiện tốt chương trình thanh niên tình nguyện, tiếp sức mùa thi... để hỗ trợ tối đa cho thí sinh.

Tăng cường ôn thi

Tại Quảng Nam, ông Thái Viết Tường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết tỉnh có 9 huyện miền núi, trong đó có 6 huyện miền núi cao, với nhiều địa bàn khó khăn, thiếu thốn trong việc dạy và học. Vì vậy, trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông sắp tới, tỉnh rất quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ các trường học và các thí sinh khu vực trong việc ôn thi hiệu quả.

Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam đã thành lập đoàn hỗ trợ ôn tập thi tốt nghiệp trung học phổ thông trực tiếp cho các đơn vị thuộc các vùng khó khăn có ít giáo viên, đội ngũ giáo viên còn trẻ về tuổi nghề.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam, Thái Viết Tường báo cáo tại buổi làm việc.jpg
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam, Thái Viết Tường thông tin về công tác chuẩn bị thi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại Yên Bái, việc hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh dự thi cũng được đặc biệt quan tâm. Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái đã phân công một Phó giám đốc Sở phụ trách công tác chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị và địa phương xây dựng phương án hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Tại các huyện như Trạm Tấu, Mù Cang Chải, học sinh được hỗ trợ gạo để ăn bán trú trong tháng ôn thi ngoài thời gian được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Ở nhiều trường đã bố trí ăn trưa miễn phí cho thí sinh ở xa.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái Tô Thị Ánh, hiện đã có khoảng 2.000 lượt thí sinh được hỗ trợ dưới nhiều hình thức khác nhau như hỗ trợ ôn tập bồi dưỡng kiến thức, hỗ trợ tư vấn, hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ gạo, hỗ trợ nơi ăn nghỉ… Trong đó, riêng tiền mặt là khoảng 400 triệu đồng.

Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 sẽ diễn ra vào các ngày 27 và 28/6 với sự đăng ký tham gia của hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước. Đây cũng là kỳ thi tốt nghiệp của lứa học sinh cuối cùng học theo chương trình giáo dục phổ thông cũ 2006./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục