Thị trường 3 ngày Tết ổn định giá và nguồn cung hàng hóa

Tình hình cung cầu, giá cả trên thị trường cả nước thời gian trước Tết, cận Tết và trong 3 ngày Tết tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.
Thị trường 3 ngày Tết ổn định giá và nguồn cung hàng hóa ảnh 1(Ảnh minh họa: Kim Há/TTXVN)

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tình hình cung cầu, giá cả trên thị trường cả nước thời gian trước Tết, cận Tết và trong 3 ngày Tết tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.

Vụ Thị trường trong nước cho biết, ngày 9/2 tức là ngày mùng 2 Tết, nhiều sạp hàng tại chợ dân sinh hoặc một vài cửa hàng đã bắt đầu mở hàng bán lấy may. Tuy nhiên, do nhu cầu mua sắm sáng mùng 2 Tết của người dân cũng không nhiều vì đã mua sắm đầy đủ vào những ngày trước Tết nên giá cả các loại hàng hóa không có biến động nhiều so với ngày mùng 1 Tết.

Dạo qua một vòng tại một số chợ như chợ Hôm, chợ Mơ… thực phẩm tươi sống đều có giá cả ổn định.

Cụ thể, thịt lợn thăn dao động từ 100.000-120.000 đồng/kg; thịt lợn mông giá 93.000-105.000 đồng/kg; thịt bò thăn loại 1 giá 265.000 đồng/kg; Gà quê giá 140.000-160.000 đồng/kg tùy loại. Còn lại các loại rau củ như su hào 10.000 đồng/củ; rau muống do trái mùa nên vẫn có giá 25.000 đồng/mớ, bắp cải 17.000 đồng/kg.

Đối với thị trường hàng hóa, hầu hết các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh đều chưa hoạt động. Bởi rút kinh nghiệm từ các năm trước số lượng khách mua hàng chỉ tập trung ở một số mặt hàng chính như bánh kẹo, rượu, bia, nước ngọt, đồ cúng lễ thắp hương để phục vụ đi lễ chùa. Chính vì vậy, những nơi này chủ yếu phải đến ngày mùng 6 Tết trở đi mới hoạt động bình thường. 

Báo cáo của Vụ Thị trường trong nước cũng cho thấy, tốc độ lưu chuyển hàng hóa tháng 1/2016 tăng, nguồn cung hàng hóa trong dịp trước, trong và sau Tết cũng được chuẩn bị tốt đã góp phần kìm chế chỉ số giá tiêu dùng tăng cao.

Cùng với đó, đã có 53/63 tỉnh, thành trên cả nước thực hiện chương trình bình ổn giá nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá trong dịp này thể hiện sự quyết tâm của hệ thống thương mại trong việc phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. 

Công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết năm Bính Thân này cũng đã được các cấp, các ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp chuẩn bị chu đáo. Hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết trên thị trường phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã.

Nguồn cung hàng hóa dồi dào, nhiều doanh nghiệp tăng cường khuyến mại, giảm giá, giải phóng hàng tồn kho để thu hồi vốn… trong khi sức mua trên thị trường không cao như mọi năm và với mặt bằng giá trước đó đã ở mức cao nên nhiều loại hàng hóa Tết năm nay giá không tăng hoặc chỉ tăng nhẹ so với thời điểm trước Tết.

Riêng đối với một số mặt hàng như thực phẩm tươi sống, rau quả, hoa tươi, do đặc thù mặt hàng và nhu cầu tiêu thụ cao cùng với đó là đợt mưa rét kéo dài nên giá trong những ngày sát Tết tăng khoảng 20-50% so với ngày thường. Tuy vậy, nhiều địa phương đã triển khai bán hàng bình ổn và tổ chức bán hàng phục vụ Tết, đặc biệt cho địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Việc dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường tại các địa phương đã đem lại hiệu ứng tích cực cho thị trường, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thực hiện kế hoạch đề ra, lực lượng quản lý thị trường ở các địa phương trong cả nước đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu qua biên giới và lưu thông trên thị trường, ngăn chặn và xử lý các trường hợp sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép.

Qua tổng hợp chung, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu đã giảm, riêng các loại pháo không còn bày bán và sử dụng công khai; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng được chú trọng, hàng hoá phong phú, đảm bảo chất lượng.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường tổ chức các đoàn kiểm tra thị trường Tết trên địa bàn các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 28 và 29 Tết. Các quận, huyện đều tổ chức trực Tết và tình hình trong tầm kiểm soát.

Tại các địa phương, các Chi cục Quản lý thị trường tổ chức kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn, phân công trực tại chỗ những ngày nghỉ Tết, bố trí nhân lực ứng trực đến đêm 29 Tết tức (30 tết Âm lịch) để đề phòng các biến động không có lợi của thị trường.

Trọng tâm là tiếp tục giám sát hoạt động của các cửa hàng xăng dầu; kiểm tra, nhắc nhở các cửa hàng, điểm bán ở các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; chú ý việc giám sát các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục