Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam về vấn đề này.
- Mặc dù thị trưởng bảo hiểm những tháng đầu năm vẫn tăng trưởng khá thế nhưng trong điều kiện kinh tế đang khó khăn như hiện nay, rủi ro trong hoạt động này là không nhỏ. Cụ thể hơn về vấn đề này ra sao, thưa ông?
Ông Phùng Đắc Lộc: Quả thật, con số tăng trưởng ở mảng phi nhân thọ khoảng 21% và nhân thọ khoảng hơn 13% là dấu hiệu đáng mừng của ngành bảo hiểm trong điều kiện sản xuất trong nước đình trệ. Trong tình cảnh khó khăn ấy, khách hàng là các doanh nghiệp đều hiểu rằng, nếu phải gánh thêm nhiều rủi ro, họ có thể sẽ “gục”. Bởi thế, họ vẫn có nhu cầu mua bảo hiểm.
Ngược lại, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách chia nhỏ kỳ bảo hiểm ra để phí thu ít đi hoặc cho trả chậm phí. Tuy nhiên, việc cho trả chậm phí về lâu dài cũng sẽ có hậu quả đáng lo ngại trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, phí bảo hiểm chắc chắn sẽ không thể thu hồi. Vì thế, một trong những khó khăn nhất hiện tại của doanh nghiệp là đánh giá rủi ro.
Ngoài ra, việc đầu tư, chi tiêu công bị cắt giảm thời gian qua cũng ảnh hưởng rõ rệt tới bảo hiểm, khi việc mua sắm ôtô, máy móc,… mới ít đi. Điều này cũng đồng nghĩa, nhu cầu bảo hiểm của các cơ quan, tổ chức sẽ giảm.
Một điểm khác nữa là doanh thu của nhiều công ty bảo hiểm đầu năm rất cao còn do chu kỳ hợp đồng. Tới cuối năm, khi phải đi “nhặt” hợp đồng mới, việc cạnh tranh chắc chắn sẽ gay gắt hơn. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ hạ phí bảo hiểm để hút khách. Tuy nhiên, điều này lại khiến doanh nghiệp không đủ phí bồi thường. Đó là nguyên nhân để các doanh nghiệp lấy đủ lý do để chậm trả tiền cho khách hàng.
Hay một thực tế khác mà chúng ta chưa xử lý được đó là việc trả phí hoa hồng cho đại lý vượt mức quy định. Số tiền vượt mức này doanh nghiệp có thể xử lý theo nhiều cách nhưng chúng ta không đủ chứng cứ nên khó bắt tận tay.
- Trong “cái khó”, một số doanh nghiệp đang “ló cái khôn” bằng cách né khu vực rủi ro, hướng tới những lĩnh vực bảo hiểm cá nhân. Đây phải chăng là một trong những hướng đi mới thời gian tới, thưa ông?
Ông Phùng Đắc Lộc: Khi bảo hiểm tài sản của các cơ quan, tổ chức gặp khó, các doanh nghiệp đúng là đang phải hướng tới dịch vụ bảo hiểm cho tài sản cá nhân như bảo hiểm xe máy, ôtô, nhà cửa… Thực tế là hướng đi này đã có một doanh nghiệp đi đầu, đó là Tập đoàn Bảo Việt.
Một hướng khác là các doanh nghiệp có thể nhắm tới mảng bảo hiểm trách nhiệm như bảo hiểm trách nhiệm dân sự, trách nhiệm nghề nghiệp.
Ngoài ra, với bảo hiểm nông nghiệp, đây là thị trường mới cũng có thể khai phá. Việc thí điểm thời gian qua khiến chúng ta phát hiện ra nhiều bà con muốn mua bảo hiểm, kể cả những nơi không thuộc diện thí điểm.
Những sản phẩm bảo hiểm nhóm cũng có thể là hướng đi mới khi Nghị định số 122 của Chính phủ hiện tại đã cho phép chủ doanh nghiệp mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động và khoản này được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Có cơ hội như thế nhưng một môi trường cạnh tranh lành mạnh và cơ chế chặt chẽ là điều chúng ta đang thiếu. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Ông Phùng Đắc Lộc: Chúng ta vừa mới thống nhất được quy tắc ứng xử. Trong đó, bộ quy tắc có đề cập tới trình tự xử lý khi có hành vi nói xấu nhau hay khi các đại lý có vi phạm. Thế nhưng, bộ quy tắc này chỉ áp dụng được với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vì họ phần lớn là doanh nghiệp nước ngoài, nói là làm. Còn với phi nhân thọ, đưa ra chỉ là hình thức vì họ không thực hiện.
Hiện Bộ Tài chính đang đưa vào thông tư sửa đổi, trong đó quy định các doanh nghiệp bảo hiểm bị lỗ thì phải giải trình và có biện pháp khắc phục, trong thời gian nhất định không khắc phục được sẽ không cho kinh doanh dịch vụ đó. Chúng tôi đang trông chờ thông tư này, đây là giải pháp tốt nhất.
Ngoài ra, với bảo hiểm trách nhiệm, đây là mảng bảo hiểm lớn mà ta chưa khai thác được nguyên nhân bởi luật của chúng ta còn chưa nghiêm. Ở nước ngoài, trong điều lệ hoạt động của một tổ chức, họ quy định bắt buộc người điều hành phải mua bảo hiểm trách nhiệm. Ví dụ như một doanh nghiệp sản xuất một chai nước, họ buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm phòng trường hợp sản phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Luật của mình ở các lĩnh vực như du lịch, xây dựng, chứng khoán cũng quy định về việc này nhưng không phải bắt buộc./.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Cục quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), hiện trên thị trường bảo hiểm có 57 doanh nghiệp, trong đó gồm 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 14 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 12 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm. Riêng tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 20.459 tỷ đồng, tăng 17,84% so với cùng kỳ năm 2011. Cụ thể, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt khoảng 12.200 tỷ đồng và phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 8.259 tỷ đồng. Số liệu của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam từ đầu năm cũng cho thấy, dẫn đầu mảng bảo hiểm phi nhân thọ hiện vẫn là tập đoàn Bảo Việt với thị phần khoảng 27%, Tổng công ty Bảo hiểm PVI đứng ngay sau với thị phần khoảng 26%; tiếp đó là các doanh nghiệp khác như Bảo Minh, PJICO, PTI.. Trong khi đó, tại lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ Prudential và Bảo Việt Nhân Thọ vẫn duy trì thị phần dẫn đầu về doanh thu khai thác mới và về tổng doanh thu; tiếp theo là các doanh nghiệp Manulife, ACE, Dai-ichi, AIA, … |