Thị trường châu Á: Vàng tăng, chứng khoán diễn biến trái chiều

Giới đầu tư hiện đang theo dõi sát sao những căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc và trông chờ những tín hiệu lạc quan từ cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Thị trường châu Á: Vàng tăng, chứng khoán diễn biến trái chiều ảnh 1Thị trường chứng khoán diễn biến trái chiều. (Ảnh: iStock)

Giới đầu tư giữ tâm lý lạc quan khi các biện pháp phong tỏa tiếp tục được nởi lỏng, trong khi có những dấu hiệu cho thấy nhiều nền kinh tế đã vượt qua thời khắc tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, các thị trường chứng khoán châu Á phiên này vẫn biến động do có nhiều quan ngại về những căng thẳng mới giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 0,4% lên 22.695,74 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng phiên thứ tư liên tiếp với 0,17% lên 24.366,30 điểm. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải giảm 0,14% xuống 2.919,25 điểm.

Nhiều sàn chứng khoán cũng cho thấy những mức tăng nhẹ như Sydney (Australia), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan). Hai sàn chứng khoán ở Đông Nam Á giao dịch khởi sắc là Bangkok (Thái Lan) với hơn 2% và Manila (Philippines) ở mức hơn 4%, trong khi chứng khoán tại Singapore và Jakarta (Indonesia) đi ngang.

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 0,31% lên 883,90 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 0,8% lên 117,42 điểm.

Về giá vàng, các chỉ số tại châu Á đi lên trong phiên 4/6, sau đà tăng điểm của các thị trường chứng khoán ở phiên trước nhờ các dấu hiệu về sự phục hồi kinh tế. Các thị trường hiện đang dõi theo quyết sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong cuộc họp diễn ra ngày 4/6.

Vào lúc 14 giờ 15 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.701,02 USD/ounce, sau khi giảm 1,7% trong phiên trước. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn giảm 0,1% xuống 1.703,7 USD/ounce. Vào lúc 16 giờ 12 phút ngày 4/6, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 48,45-48,82 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Theo chuyên gia về tiền tệ Ilya Spivak của công ty tài chính DailyFx, thị trường đang có một số điều chỉnh sau đà giảm mạnh của giá vàng trong phiên trước. Giới đầu tư bắt đầu lạc quan về khả năng các nền kinh tế phục hồi sau khi nới lỏng phong tỏa., qua đó làm giảm nhu cầu đối với tài sản an toàn là vàng, khiến giá kim loại quý trong tuần này giảm 1,5%.

Nhiều quốc gia châu Âu như Đức, Italy, Áo và Bỉ đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa và hạn chế xuất nhập cảnh. Trong khi đó, hầu hết các nước đã cho phép các nhà hàng, quán càphê, địa điểm tham quan... được mở cửa trở lại, qua đó làm tăng hy vọng về sự phục hồi của ngành du lịch.

Đức cũng thông báo sẽ bơm 130 tỷ euro (146 tỷ USD) vào gói kích thích để khôi phục nền kinh tế lớn nhất khu vực, còn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ nâng quy mô chương trình mua trái phiếu trị giá 750 tỷ euro thêm 500 tỷ euro.

Trong khi đó, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có chiều hướng gia tăng khi Washington yêu cầu đình chỉ các chuyến bay do các hãng hàng không Trung Quốc vận hành tại Mỹ.

Tuy nhiên, Trung Quốc thông báo sẽ cho phép nhiều hãng hàng không nước ngoài đang bị cấm bay đến Trung Quốc đại lục được phép thực hiện một số chuyến nhất định từ ngày 8/6./. 

Thị trường châu Á: Vàng tăng, chứng khoán diễn biến trái chiều ảnh 2Giới đầu tư trông chờ vào những chính sách mới của ECB. (Ảnh: EPA)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.