Thị trường dầu mỏ "điêu đứng" vì quyết định của OPEC

Giá dầu thô đã tụt xuống các mức thấp nhất trong nhiều năm trong tuần giao dịch vừa qua, sau khi OPEC chính thức quyết định không cắt giảm sản lượng.
Thị trường dầu mỏ "điêu đứng" vì quyết định của OPEC ảnh 1Nhà máy lọc dầu lớn nhất Kuwait Al-Ahmadi ở Al-Shuaiba, cách thủ đô Kuwait City khoảng 30km, ngày 23/2/2005. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá dầu thô đã tụt xuống các mức thấp nhất trong nhiều năm trong tuần giao dịch vừa qua, sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) chính thức quyết định không cắt giảm sản lượng, bất chấp nguồn cung đang dồi dào trên toàn cầu và nhiều thành viên OPEC rất muốn cắt giảm nguồn cung để "cứu" thị trường.

Đây là động thái được giới phân tích cho là một đòn công kích của OPEC vào thị trường dầu khí đá phiến sét đang phát triển bùng nổ của Mỹ.

Kết thúc cuộc họp ngày 27/11, 12 quốc gia thành viên của OPEC đã quyết định giữ nguyên sản lượng khai thác dầu ở mức trần 30 triệu thùng/ngày như đã thực hiện trong ba năm nay. Quyết định này đã ngay lập tức đẩy thị trường dầu thô lao dốc trong hai phiên cuối tuần.

Đóng cửa phiên 28/11 tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 1/2015 giảm mạnh 7,54 USD xuống chốt phiên (chốt tuần và chốt tháng 11) ở mức 66,15 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2009.

Trong khi đó tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng giảm 2,43 USD xuống chốt tuần ở 70,15 USD/thùng, sau khi trước đó đã có lúc trong phiên, giá hợp đồng dầu này chìm xuống dưới 70 USD/thùng - đánh dấu lần xuyên qua mốc này lần đầu tiên trong bốn năm rưỡi qua, xuống 69,78 USD/thùng.

Như vậy là tính đến hết phiên cuối cùng của tháng 11, giá dầu đã giảm hơn 1/3 kể từ giữa tháng Sáu, trước một loạt sức ép như nguồn cung dồi dào, đồng bạc xanh mạnh, triển vọng nhu cầu yếu vì kinh tế toàn cầu trì trệ và cuối cùng là quyết định không cắt giảm sản lượng của OPEC.

Ông John Kilduff thuộc công ty Again Capital cho biết nếu giá dầu WTI giảm xuống mức 64,24 USD/thùng như hồi tháng 5/2010 thì, về mặt kỹ thuật, nó có thể sẽ lao dốc xuống mức dưới 60 USD, thậm chí 58,32 USD/thùng như thời điểm tháng 7/2009.

Chi phối quyết định này của OPEC có phần đóng góp lớn của Saudi Arabia, cùng một số quốc gia vùng Vịnh khác là những thành viên chủ chốt trong OPEC, do những nước này lo ngại sự bùng nổ của dầu khí đá phiến sét tại Mỹ sẽ "gặm" mất thị phần của họ.

Việc cải tiến công nghệ đã giúp Mỹ khai thác những nguồn dầu khí đá phiến sét và nâng sản lượng dầu hàng ngày của nước này lên thêm hơn 40% kể từ năm 2006.

Tuy nhiên, chi phí để khai thác loại dầu kể trên cũng đắt gấp ba, bốn lần chi phí khai thác dầu của các nước Trung Đông.

Theo các nhà phân tích, bằng việc chấp nhận để giá dầu xuống thấp hơn, OPEC, nhất là Saudi Arabia, mong muốn hạn chế bớt nguồn cung dầu đá phiến sét từ Mỹ do loại dầu này có chi phí đắt đỏ hơn, khó cạnh tranh được với giá dầu từ các nước OPEC, từ đó Mỹ khó có thể phát triển thêm các mỏ mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.