Thị trường dầu mỏ ghi nhận tuần tăng giá thứ hai liên tiếp

Giới đầu tư đang đặt nhiều kỳ vọng vào một thỏa thuận chung giữa các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt trên thế giới nhằm bình ổn thị trường năng lượng thông qua việc hạn chế sản lượng khai thác.
Thị trường dầu mỏ ghi nhận tuần tăng giá thứ hai liên tiếp ảnh 1Giàn khoan dầu gần Stanley, Bắc Dakota. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá dầu đi lên trong hầu hết các phiên giao dịch của tuần này, giữa bối cảnh giới đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào một thỏa thuận chung giữa các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt trên thế giới nhằm bình ổn thị trường năng lượng thông qua việc hạn chế sản lượng khai thác "vàng đen."

Việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC-ngân hàng trung ương) thông báo giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng nước này, giải phóng thêm vốn cho vay tại quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới, cùng với động thái khuyến khích sự hợp tác nhằm bình ổn thị trường dầu mỏ của Saudi Arabia đã giúp giá dầu bật tăng ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 29/2).

Xu hướng này tiếp tục duy trì trong hai phiên giao dịch sau đó khi khả năng thỏa thuận "đóng băng" sản lượng sẽ giúp vực dậy thị trường càng trở nên thực tế hơn, nhờ Nga tuyên bố các tập đoàn dầu mỏ của Nga ủng hộ thỏa thuận trên.

Mặc dù báo cáo hàng tuần của Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) được công bố ngày 2/3 cho biết, dự trữ dầu thô của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 26/2 đã tăng thêm 10,4 triệu thùng, trong khi dự trữ các sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu sưởi ấm, cũng tăng mạnh, nhưng báo cáo lại chỉ ra rằng sản lượng dầu mỏ của Mỹ trong tuần vừa qua ghi nhận tuần giảm thứ 16 liên tiếp. Điều này đã giúp ngăn chặn xu hướng đảo chiều của giá "vàng đen."

Dù vậy, sau ba phiên đi lên liên tiếp, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ và dầu Brent lại có sự phân hóa trong phiên giao dịch ngày 3/3, do những hoài nghi về kết quả cuộc họp dự kiến giữa Nga với các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhằm tiến tới một thỏa thuận về hạn chế sản lượng trong tháng Ba này.

Tuy nhiên, đà tăng đã nhanh chóng trở lại thị trường năng lượng trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần này, sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho hay nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm 242.000 việc làm trong tháng Hai vừa qua, vượt ngoài dự kiến của các nhà phân tích, đồng thời tỷ lệ thất nghiệp của nước này cũng "neo" ở mức 4,9%, thấp nhất trong vòng tám năm qua.

Thông tin này một lần nữa lại giúp thắp lên hy vọng cho giới đầu tư vào khả năng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của Mỹ sẽ sớm cải thiện trong thời gian tới.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 4/2016 tăng 1,35 USD, lên 35,92 USD/thùng.

Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 5/2016 cũng tiến thêm 1,65 USD, lên 38,72 USD/thùng.

Như vậy, tính chung cả tuần này, dầu ngọt nhẹ WTI tăng khoảng 3 USD (9,6%), trong khi dầu Brent tăng hơn 3,5 USD (9,3%), đánh dấu tuần tăng giá thứ hai liên tiếp của thị trường "vàng đen."

Một thông tin khác cũng giúp nâng đỡ giá dầu trong phiên cuối tuần đó là báo cáo mới nhất từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho thấy tổng số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ đã sụt giảm 13 chiếc trong tuần này, xuống còn 489 chiếc.

Con số này thấp hơn 60% so với mức tương ứng của cùng kỳ năm 2015, đánh dấu tuần thứ 11 liên tiếp số giàn khoan đang hoạt động của Mỹ sụt giảm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.