Thị trường dầu mỏ thế giới tăng, giảm đan xen trong tuần qua

Thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua đã trải qua những phiên tăng, giảm bất thường đan xen, và cuối tuần, giá của cả hai hợp đồng dầu chủ chốt đều thấp hơn so với một tuần trước đó.
Thị trường dầu mỏ thế giới tăng, giảm đan xen trong tuần qua ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua đã trải qua những phiên tăng, giảm bất thường đan xen, và cuối tuần, giá của cả hai hợp đồng dầu chủ chốt đều thấp hơn so với một tuần trước đó.

Bứt phá mạnh mẽ ngay trong phiên đầu tuần 4/5 với giá dầu Brent hướng tới mức 70 USD/thùng, giá dầu tiếp tục tăng trong hai phiên tiếp theo.

Đặc biệt, trong phiên 6/5, cả hai hợp đồng dầu chủ chốt tại hai thị trường New York và London đều tăng lên các mức cao nhất trong năm 2015, với dầu ngọt nhẹ Mỹ chốt phiên ở 60,93 USD/thùng, mức cao nhất kể từ đầu tháng 12/2014; còn dầu Bent Biển Bắc chốt phiên ở 67,77 USD/thùng - mức cao nhất tính từ đầu năm.

Đẩy giá dầu tăng mạnh trong hai phiên này là báo cáo từ Bộ Năng lượng Mỹ cho hay kho dự trữ dầu của cường quốc "ngốn" dầu hàng đầu thế giới này trong tuần kết thúc vào ngày 1/5 đã bất ngờ giảm mạnh lần đầu tiên trong vòng bốn tháng qua.

Ngoài ra, sản lượng khai thác dầu nội địa của Mỹ có xu hướng giảm nhẹ, cùng với sự suy yếu của đồng USD cũng là các nguyên nhân hỗ trợ cho đà tăng giá của "vàng đen" trong hai phiên này.

Tuy nhiên, trong phiên tiếp theo 7/5, giá dầu đã đảo chiều giảm mạnh trong bối cảnh đồng USD trở lại chiều hướng tăng giá cộng với mối lo về nguồn cung dư thừa, bất chấp lượng dầu dự trữ của Mỹ trong tuần trước nữa đã giảm lần đầu tiên trong vòng nhiều tháng qua.

Giá đồng USD trong ngày 7/5 đã đột ngột tăng trở lại so với các đồng tiền mạnh khác, xóa sạch mức giảm liên tục kể từ đầu tháng Năm và là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá dầu thô lao dốc.

Phiên cuối tuần 8/5, giá dầu phân hóa trái chiều khi nhà đầu tư bị tác động bởi những trạng thái trái ngược: Dầu Brent giảm do những lo ngại về nguồn cung dồi dào trên toàn cầu trong khi nhu cầu yếu, song dầu ngọt nhẹ Mỹ lại được hỗ trợ nhờ báo cáo tích cực về thị trường việc làm tháng Tư.

Theo Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm được 223.000 việc làm mới trong tháng Tư, đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong bảy năm qua là 5,4%.

Tuy nhiên, tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, số liệu công bố trong ngày cho biết, nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng Tư đã giảm sang tháng thứ sáu liên tiếp, qua đó cho thấy nhu cầu nội địa của quốc gia tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới này vẫn tiếp tục suy giảm.

Đóng cửa phiên cuối tuần 8/5 tại New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 6/2015 tăng 45 xu Mỹ lên chốt phiên và chốt tuần ở mức 58,93 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ lại giảm nhẹ 15 xu, xuống chốt tuần ở 65,39 USD/thùng. Cả hai mức giá này đều thấp hơn các mức chốt của một tuần trước đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.