Thị trường dầu quay lại đà giảm giá do nhân tố Saudi Arabia

Trong phiên giao dịch 22/12, giá dầu thế giới quay lại đà giảm sau tuyên bố của Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia rằng nước này không có kế hoạch cắt giảm sản lượng.
Thị trường dầu quay lại đà giảm giá do nhân tố Saudi Arabia ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch 22/12, giá dầu thế giới quay lại đà giảm sau tuyên bố của Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia rằng nước này không có kế hoạch cắt giảm sản lượng.

Chốt phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 2/2015 giảm 1,87 USD xuống 55,23 USD/thùng. Còn tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm 1,27 USD xuống 60,11 USD/thùng.

Phát biểu trong một hội nghị về năng lượng tại Abu Dhabi vào ngày 21/12, các “đại gia” dầu mỏ chủ chốt của Trung Đông vẫn "kiên định" với quan điểm không cắt giảm sản lượng dầu.

Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia, Ali al-Naimi cho biết: “Nếu các nước không thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) muốn cắt giảm sản lượng, họ cứ việc hành động. Còn OPEC sẽ không giảm sản lượng khai thác dầu, và tất nhiên Saudi Arabia cũng vậy.”

Tháng trước Saudi Arabia và các thành viên khác thuộc OPEC đã đưa ra quyết sách không cắt giảm trần sản lượng khai thác dầu. Kể từ tháng Sáu tới nay, “vàng đen” đã để tuột mất 50% giá trị.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất Suhail al-Mazrouei cũng nhấn mạnh rằng OPEC – cung cấp 1/3 nguồn cung dầu thế giới – sẽ không có bất cứ một động thái nào vào thời điểm này để "cứu" giá dầu.

Ông cho biết OPEC cần ít nhất 6 tháng để đánh giá thị trường dầu và nếu không có diễn biến gì khác, OPEC vẫn nhất quyết không thay đổi quan điểm.

Michael Lynch thuộc Strategic Energy & Economic Research cho biết hai tuyên bố trên đã kéo giá dầu giảm sâu hơn trong bối cảnh thị trường đang trông chờ các nước sản xuất dầu “ra tay” cứu giá dầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.