Giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 trong phiên 25/6. Như vậy là cả hai loại dầu tiêu chuẩn đã tăng giá tuần thứ năm liên tiếp nhờ kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu sẽ vượt cung trong giai đoạn tới.
Ngoài ra, thị trường cũng hy vọng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (còn gọi là nhóm OPEC+) sẽ thận trọng hơn trong việc tiếp tục tăng sản lượng từ tháng Tám.
Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 62 xu (tương đương 0,8%) lên 76,18 USD/thùng, trong khi dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 75 xu (1,0%) lên 74,05 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa cao nhất cho cả hai loại dầu này kể từ tháng 10/2018.
Nhìn chung, thị trường dầu thế giới tiếp tục có một tuần “thăng hoa” khi có 4 phiên tăng và chỉ 1 phiên giảm điểm nhẹ.
Mở đầu tuần mới 21/6, giá dầu thế giới tăng mạnh gần 2% khi các cuộc đàm phán về việc ngừng các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran tạm dừng, và đồng USD giảm xuống từ các mức cao nhất trong hai tháng qua.
Ngoài ra, giá dầu cũng khởi sắc nhờ những dự đoán về tăng trưởng sản lượng dầu bị hạn chế ở Mỹ, khiến OPEC có nhiều khả năng kiểm soát thị trường hơn trong ngắn hạn trước khi sản lượng dầu đá phiến có thể gia tăng mạnh mẽ trong năm 2022.
Giá dầu thế giới giảm nhẹ trong phiên ngày 22/6 sau khi dầu Brent tăng trên mức 75 USD/thùng lần đầu tiên trong hơn hai năm qua.
Các nguồn tin OPEC+ cùng ngày cho hay nhóm này đang thảo luận tăng dần sản lượng dầu từ tháng 8/2021, nhưng vẫn chưa quyết định số lượng chính xác.
OPEC+ đang đưa 2,1 triệu thùng dầu trở lại thị trường mỗi ngày từ tháng Năm đến tháng 7/2021, đây là một phần trong kế hoạch rút dần thỏa thuận cắt giảm sản lượng của năm ngoái do đại dịch COVID-19 đã tác động đến sự phục hồi nhu cầu.
Sang phiên 23/6, giá dầu Brent tăng lên trên 76 USD/thùng và chạm mức cao nhất kể từ cuối năm 2018, sau khi số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm khi hoạt động đi lại gia tăng.
Giá dầu thế giới phiên 24/6 giao dịch gần mức cao nhất trong gần ba năm qua , sau thông tin dự trữ dầu của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020 và các hoạt động kinh tế của Đức gia tăng.
Những quan ngại về tương lai của thỏa thuận hạt nhân Iran, mà có thể chấm dứt các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với xuất khẩu dầu của Iran, cũng đã giúp hỗ trợ thị trường năng lượng.
Với mức tăng gần 1% trong phiên cuối tuần 25/6, cả hai loại dầu tiêu chuẩn đều tăng hơn 3% trong cả tuần qua.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty môi giới tài chính OANDA cho biết giá dầu thô tăng do triển vọng nhu cầu được cải thiện, bên cạnh kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục thắt chặt vì OPEC+ nhiều khả năng không tăng mạnh sản lượng trong cuộc họp sắp tới.
[OPEC+ cân nhắc tăng sản lượng dầu trong cuộc họp sắp tới]
Mọi con mắt đang đổ dồn vào cuộc họp ngày 1/7 của OPEC+ để thảo luận về việc nới lỏng hơn nữa chương trình cắt giảm sản lượng từ tháng 8/2021.
Chuyên gia Stephen Brennock của công ty môi giới năng lượng PVM cho biết khối này còn nhiều không gian để thúc đẩy nguồn cung mà không làm ảnh hưởng lớn tới kho dự trữ dầu, giữa bối cảnh triển vọng nhu cầu đang khả quan hơn.
Về phía nhu cầu, các yếu tố chính mà OPEC+ sẽ phải xem xét là đà tăng trưởng mạnh mẽ ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc nhờ việc triển khai vaccine ngừa COVID-19 và các nền kinh tế mở cửa trở lại.
Các nhà phân tích cho biết những yếu tố này đã bù đắp được phần nào cho việc số ca nhiễm COVID-19 mới gia tăng ở nhiều nơi khác và ảnh hưởng tới nhu cầu xăng dầu tại các khu vực đó.
Ngoài ra, viễn cảnh Mỹ sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran và giúp nguồn cung dầu của nước này tăng lên đã mờ đi.
Một quan chức Mỹ cho biết các bên vẫn còn những khác biệt nghiêm trọng trong một loạt vấn đề liên quan đến việc Tehran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015./.