Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đang thảo luận về việc có tăng sản lượng tại cuộc họp diễn ra vào tuần tới hay không trong bối cảnh thị trường dầu có vẻ đang dần thắt chặt.
Theo các quan chức Nga hiểu rõ vấn đề này, Moskva đang xem xét đưa ra một đề xuất rằng OPEC+ nên điều chỉnh tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường bằng cách tăng sản lượng.
Các nước khác trong OPEC+ cũng đang thảo luận về khả năng tăng nguồn cung trong tháng 8/2021, tuy nhiên, con số cụ thể không được tiết lộ.
[Một mùa Hè dự báo nhiều biến động trên thị trường "vàng đen"]
Giá dầu thô đã chạm mức 75 USD/thùng tại thị trường London lần đầu tiên trong hai năm trong bối cảnh nhu cầu phục hồi mạnh.
OPEC+ đang chuẩn bị tăng sản lượng khoảng 2 triệu thùng/ngày để đáp ứng nhu cầu, song có nhiều đề xuất cho rằng con số đó cần lớn hơn khi giá "vàng đen" tăng.
Saudi Arabia, nước sản xuất dầu chủ chốt trong OPEC+ cùng với Nga, cho đến nay vẫn chưa đưa ra dấu hiệu rõ ràng nào về quan điểm của họ tại các cuộc thảo luận vào tuần tới.
Saudi Arabia thường khá thận trọng về việc rút lại các thỏa thuận cắt giảm sản lượng, trong đó Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman tuần trước cho biết ông muốn thấy bằng chứng rõ ràng hơn về sự phục hồi nhu cầu mạnh mẽ trước khi khôi phục lại sản lượng bị cắt giảm trước đó.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng đã kêu gọi OPEC+ bắt đầu tăng nguồn cung khi nhu cầu phục hồi.
Goldman Sachs Group Inc. ước tính thị trường đang thiếu hụt 3 triệu thùng/ngày, do sản lượng không tăng. OPEC+ vẫn đang "giữ lại" 5,8 triệu thùng/ngày trong sản lượng dầu cung cấp cho thị trường.
Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran đã kéo dài hơn dự kiến, dập tắt kỳ vọng rằng các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của quốc gia này có thể sớm được gỡ bỏ và điều này gây thêm bất ổn cho các cuộc thảo luận của OPEC+.
Các công ty dầu mỏ quốc tế và các công ty dầu khí đá phiến của Mỹ cũng đang kiểm soát sản lượng chặt chẽ hơn so với đợt phục hồi giá gần nhất, do các nhà đầu tư yêu cầu chi phí khai thác thấp, nhưng lợi nhuận (phải) cao.
Hai quan chức đề nghị không công bố danh tính cho hay Moskva dự kiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu sẽ tiếp diễn trong trung hạn./.