Thị trường hàng hóa chông chênh khi căng thẳng Biển Đỏ gia tăng

Một báo cáo mới đây của ngân hàng ING đánh giá tình hình Biển Đỏ gây nên nhiều rủi ro về nguồn cung cho các thị trường hàng hóa, trong đó thị trường năng lượng dễ bị tổn thương nhất.

Tàu chở hàng (phải), bị lực lượng Houthi bắt giữ, trên đường về cảng tỉnh Hodeida (Yemen), ngoài khơi Biển Đỏ, ngày 22/11/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN
Tàu chở hàng (phải), bị lực lượng Houthi bắt giữ, trên đường về cảng tỉnh Hodeida (Yemen), ngoài khơi Biển Đỏ, ngày 22/11/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN

Các cuộc tấn công vào tàu thương mại ở Biển Đỏ gần đây đã gia tăng và dường như chưa có bất kỳ dấu hiệu cho thấy căng thẳng tại khu vực này sẽ giảm bớt. Thế giới cũng đã chứng kiến sự trả đũa từ Mỹ và Anh dưới hình thức các cuộc không kích nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen.

Hiện vẫn chưa rõ những hành động trên có nguy cơ lôi kéo các chủ thể khác trong khu vực rơi vào vòng xoáy xung đột này hay không. Nhưng rõ ràng, tình hình căng thẳng leo thang đã thổi bùng những rủi ro đe dọa gián đoạn dòng chảy vận tải hàng hải qua Biển Đỏ.

Một báo cáo mới đây của ngân hàng ING đánh giá tình hình Biển Đỏ gây nên nhiều rủi ro về nguồn cung cho các thị trường hàng hóa, trong đó thị trường năng lượng dễ bị tổn thương nhất.

Mối lo ngại được ING ưu tiên đề cập trong báo cáo là sự gián đoạn của thị trường dầu mỏ và năng lượng toàn cầu. Theo ING, khoảng 12% tổng lượng giao dịch dầu mỏ bằng đường biển toàn cầu đi qua Biển Đỏ, khiến nơi đây trở thành tuyến đường quan trọng đối với dầu thô và các sản phẩm tinh chế.

Căng thẳng gia tăng đã dẫn đến quyết định định tuyến lại của một số công ty vận tải, khiến họ phải lựa chọn hành trình dài hơn đi qua Mũi Hảo Vọng.

Song báo cáo cũng nhấn mạnh rằng mặc dù tình hình hiện tại khiến ngày càng nhiều tàu chở dầu phải chuyển hướng, nhưng nguồn cung dầu vẫn chưa nhận thấy nhiều tác động nghiêm trọng.

Theo ING, việc phải điều chỉnh tuyến vận tải ban đầu có thể dẫn đến một số hạn chế đối với các nhà máy lọc dầu, khi chuỗi cung ứng của họ cũng phải điều chỉnh theo thời gian vận chuyển dầu bị kéo dài hơn.

Các doanh nghiệp vẫn cần theo dõi thêm để xem liệu năng lực của các tàu chở dầu hiện có đủ để đáp ứng các chuyến đi dài hơn hay không. Tuy nhiên, ING đánh giá các cuộc tấn công ở Biển Đỏ chưa làm thay đổi cán cân cung-cầu dầu mỏ của thị trường thế giới.

Trong khi đó, khu vực Eo biển Hormuz được ING xác định là rủi ro lớn hơn đối với thị trường dầu mỏ vì nó là "điểm nghẽn" quan trọng đối với dòng vận tải dầu toàn cầu.

Mặc dù ngân hàng này nhận định rủi ro gián đoạn của khu vực này là thấp, nhưng vẫn cần cẩn trọng theo dõi tình hình - đặc biệt sau khi Iran gần đây đã bắt giữ một tàu chở dầu ở Vịnh Oman.

ING nhấn mạnh trung bình mỗi ngày có hơn 20 triệu thùng dầu được vận chuyển qua eo biển này, tương đương với khoảng 20% lượng tiêu thụ toàn cầu. Do đó, căng thẳng và xung đột leo thang đe dọa dòng chảy dầu ở Vịnh Ba Tư sẽ là mối lo ngại lớn hơn nhiều đối với thị trường dầu mỏ và nền kinh tế toàn cầu.

ttxvn_cang_thang_tai_bien_do_2.jpg
Lực lượng bảo vệ bờ biển Yemen tuần tra tại vùng biển ngoài khơi thành phố Hodeida, Biển Đỏ, ngày 4/1/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo cáo của ING chỉ ra rằng đa số tàu thuyền có thể tránh Biển Đỏ bằng cách đi vòng qua Mũi Hảo Vọng. Nhưng ngoài một số dòng chảy qua đường ống dẫn dầu của Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), không có tuyến đường thay thế nào cho phần lớn dòng chảy từ Vịnh Ba Tư. Eo biển Hormuz là lựa chọn duy nhất.

Trong khi đó, dòng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) vận chuyển qua Biển Đỏ đã gia tăng trong những năm qua và chiếm khoảng 8% tổng thương mại LNG toàn cầu.

Báo cáo lưu ý rằng khi năng lực xuất khẩu LNG của Mỹ tăng lên, lượng LNG được vận tải qua Biển Đỏ đã gia tăng, đặc biệt là hướng tới các thị trường châu Á.

Cùng với đó, Qatar, nhà cung cấp LNG lớn nhất cho châu Âu và chiếm 16% tổng lượng nhập khẩu của khu vực trong năm 2023, cũng vận chuyển một phần đáng kể LNG qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez.

ING gợi ý rằng nếu tình hình ở Biển Đỏ xấu đi, dòng LNG có thể bị gián đoạn và thời gian vận chuyển kéo dài hơn. Tuy nhiên, tính linh hoạt trong dòng chảy thương mại có thể cho phép thực hiện các điều chỉnh, chẳng hạn như dòng LNG của Mỹ dành cho thị trường châu Á được chuyển sang châu Âu, còn dòng LNG của Qatar cho châu Âu chuyển cho châu Á.

ING cho hay những điều chỉnh đó sẽ giúp những dòng chảy này tránh đi qua Biển Đỏ, cũng không phải đi theo con đường dài hơn qua Mũi Hảo Vọng của Nam Phi.

Song tương tự thị trường dầu, thị trường LNG có thể gặp vấn đề nếu xảy ra sự gián đoạn ở eo biển Hormuz vì dòng LNG của Qatar khi đó sẽ gặp rủi ro. Qatar đã vận chuyển khoảng 108 tỷ m3 LNG vào năm 2023, trở thành nhà cung cấp LNG lớn thứ ba toàn cầu với 20% thị phần.

Đối với thị trường kim loại, ING cho biết xung đột ở Biển Đỏ đặt ra “rủi ro tăng giá” khi các kim loại đều được vận chuyển trong container. Vận tải bằng container vốn chiếm khoảng một nửa trọng tải hàng hóa vận chuyển qua khu vực này đều bị ảnh hưởng đáng kể khi các nhà vận chuyển điều chỉnh tuyến đường.

Các hãng container lớn, bao gồm MSC, Maersk, Hapag Lloyd, Cosco, ONE, Evergreen, HMM và ZIM, đã chuyển hướng tàu đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng, dẫn đến tình trạng tăng giá cước và thời gian giao hàng lâu hơn.

ING nhấn mạnh rằng những gián đoạn này đặc biệt có tác động đến châu Âu, do khu vực này phụ thuộc nhiều vào nhôm nhập khẩu từ Trung Đông trong khi nguồn cung ở gần đều hạn chế. Những gián đoạn vận chuyển xảy ra vào thời điểm sản lượng nhôm của khu vực Tây Âu đang ở mức thấp nhất trong thế kỷ này.

Một số đợt cắt giảm sản lượng đã diễn ra ở châu Âu kể từ tháng 12/2021, tương đương khoảng 2% tổng sản lượng nhôm toàn cầu. Ngoài ra, chi phí năng lượng tăng vọt đã làm giảm lợi nhuận của nhà sản xuất, trong khi chi phí vận chuyển cao hơn dự kiến sẽ được chuyển sang người mua cuối cùng.

Đối với hàng hóa nông nghiệp, ING đánh giá thị trường này ít có khả năng bị gián đoạn đáng kể do tình hình ở Biển Đỏ. Tuy nhiên, ngân hàng lưu ý rằng khối lượng ngũ cốc từ Mỹ được vận chuyển đến châu Á theo con đường dài hơn qua kênh đào Suez thay vì qua kênh đào Panama đã gia tăng trong thời gian trước.

Những hạn chế đang diễn ra tại kênh đào Panama do tình trạng hạn hán nghiêm trọng đã góp phần vào sự thay đổi này. Do đó, việc ngũ cốc của Mỹ phải tránh đi qua Biển Đỏ và kênh đào Suez có thể khiến thời gian hành trình thậm chí kéo dài hơn.

Ngoài ra, một số nhà máy đường độc lập ở Biển Đỏ có thể gặp khó khăn hơn trong việc xuất khẩu đường trắng tinh luyện thông qua container, do các tàu chở container tránh đi qua khu vực này. Tình hình đó có thể thắt chặt nguồn cung cho thị trường tại khu vực và một số nước châu Phi.

ING cũng chỉ ra những tác động gián tiếp tiềm ẩn từ các cuộc tấn công ở Biển Đỏ đối với thị trường hàng hóa nông nghiệp. Nếu xung đột vẫn kéo dài và khiến thời gian vận tải gia tăng, chi phí đầu vào của người nông dân có thể bị đội lên, bao gồm giá dầu diesel và giá phân bón.

Báo cáo của ING khuyến nghị rằng trong bối cảnh tình hình vẫn đang có nhiều thay đổi, các công ty và doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ sự phát triển trong khu vực Biển Đỏ và thực hiện các điều chỉnh để giảm thiểu tác động đến chuỗi cung ứng-thương mại toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.