Thị trường hoa Tết ở Nam Trung Bộ: Đối diện nhiều thách thức

Sản lượng hoa của các tỉnh Nam Trung Bộ cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần được dự báo sẽ giảm mạnh so với các năm trước do tác động của mưa bão và dịch COVID-19 kéo dài.
Thị trường hoa Tết ở Nam Trung Bộ: Đối diện nhiều thách thức ảnh 1Do ảnh hưởng của thiên tai và dịch COVID-19 nông dân trồng hoa cúc ở Phú Yên đã bỏ đất trống không trồng, giảm gần một nửa sản lượng so với các năm trước. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Nam Trung Bộ có nhiều làng trồng hoa nổi tiếng, sản phẩm vươn ra cả ngoài Bắc, trong Nam, nhất là vụ hoa Tết âm lịch. Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các nhà vườn trồng hoa ở Nam Trung Bộ (Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) đã chuẩn bị nhiều loại hoa đẹp sẵn sàng cung ứng cho thị trường.

Tuy nhiên, vụ hoa Tết năm nay, Nam Trung Bộ phải trực tiếp hứng chịu nhiều đợt mưa, lũ, bão lớn làm ảnh hưởng đến việc trồng, chăm sóc. Ngoài tác động của thiên tai, dịch COVID-19 kéo dài khiến nhiều nông hộ thấp thỏm lo lắng về đầu ra cho vụ hoa cuối năm.

Do vậy, năm nay sản lượng hoa của các tỉnh Nam Trung Bộ cung ứng cho thị trường Tết được dự báo sẽ giảm mạnh so với các năm trước.

Trồng hoa mai hơn chục năm nhưng chưa có năm nào anh Nguyễn Văn Minh, làng mai thôn Háo Đức, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn (Bình Định), lại lo lắng cho thị trường dịp Tết như năm nay. Anh Minh cho biết thời điểm này mọi năm, thương lái đã đến cọc tiền mua hoa, người dân địa phương đã đến xem vườn, chọn những chậu hoa ưng ý. Nhưng năm nay, vườn mai của gia đình vẫn chưa có khách ghé thăm.

Năm 2020, anh Minh trồng và chăm sóc 2.000 chậu mai để xuất bán vụ Tết nhưng năm nay giảm chỉ còn khoảng 700 chậu. Dịch bệnh, kinh tế khó khăn, nhu cầu khách mua hoa mai cũng dự báo sẽ giảm mạnh so với các năm.

Hiện một số phường thuộc thị xã An Nhơn xuất hiện nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng nên cũng ảnh hưởng đến việc thuê nhân công để chăm sóc, vận chuyển hoa. Do đó, gia đình đã chủ động dừng chăm sóc, giảm sản lượng mai đưa ra thị trường hơn một nửa, để giảm thiệt hại - anh Minh chia sẻ.

Ngoài lo lắng dịch COVID-19, người trồng mai tết tỉnh Bình Định còn chịu thiệt hại nặng do mưa lũ. Theo ông Phan Thanh Hòa, Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Nhơn, nghề trồng hoa mai ở thị xã An Nhơn hình thành cách đây gần 40 năm nay. Ban đầu chỉ từ một vài hộ trồng mai với diện tích vài nghìn m2, đến nay toàn thị xã đã có trên 1.500 hộ trồng với diện tích 150ha, số lượng trên dưới 2 triệu chậu, doanh thu bình quân hằng năm đạt 100 tỷ đồng.

[Người trồng mai ở Vĩnh Long thấp thỏm lo vụ Tết Nguyên đán]

Mai An Nhơn được trồng tập trung chủ yếu 3 xã Nhơn An, Nhơn Phong và Nhơn Hạnh. Tuy nhiên, 3 xã này lại thuộc vùng hạ lưu sông Kôn, mùa mưa lũ thường xuyên bị ngập. Những năm gần đây, người dân mở rộng diện tích trồng mai trên các chân ruộng thấp trũng nên khi lũ lụt tràn về đã không chuyển kịp lên vùng cao.

Trong đợt mưa lụt kéo dài trong tháng 11 vừa qua, toàn thị xã có trên 700.000 chậu hoa mai bị ngập trong nước lũ. Người dân phải huy động nhân lực để di chuyển các chậu hoa chăm sóc bán Tết năm nay lên vị trí cao. Còn lại nhiều diện tích mai không chuyển kịp, bị hư hại người dân phải tốn thêm nhiều công chăm sóc để bán cho các vụ sau.

Thị trường hoa Tết ở Nam Trung Bộ: Đối diện nhiều thách thức ảnh 2Đợt mưa lũ cuối tháng 11 vừa qua làng trồng hoa lay ơn, thành phố Tuy Hòa, Phú Yên bị thiệt hại nặng mất trắng đến 80% sản lượng cây giống. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

Niên vụ hoa năm nay, dịch COVID-19 kéo dài khiến nhiều nhà vườn tại phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) vô cùng lo lắng đầu ra, vì thế số lượng người trồng và sản lượng hoa đều giảm.

Ông Trần Minh Tự, Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất kinh doanh hoa cúc giống Ninh Giang cho hay mọi năm, ông đều trồng từ 600-800 chậu hoa cúc nhưng năm nay chỉ trồng 200 chậu, giảm 3 đến 4 lần so với trước kia.

Ông Tự cho rằng thị trường hoa trầm lắng do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên tự cắt giảm số lượng, nhất là các chậu cúc kích cỡ đại nhằm đảm bảo không thua lỗ, mất trắng trong vụ hoa Tết năm nay.

Cùng thời điểm này năm ngoái, thương lái đã bắt đầu đến hỏi mua hoặc đặt trước hoa cúc Tết, nhưng năm nay nhiều vùng trồng hoa Khánh Hòa đều đìu hiu, vắng bóng người hỏi mua, người ra giá bán.

Bên cạnh đó, người trồng hoa còn lo cả khâu vận chuyển hoa đi các tỉnh. Đa số nông dân đều e ngại hoa Tết sẽ khó khăn vận chuyển vào các tỉnh để bày bán trên phố như mọi năm do ảnh hưởng bởi dịch.

Ông Huỳnh Chiến Đạt - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa thông tin, thị trường hoa Tết lớn là Thành phố Hồ Chí Minh đến thời điểm này vẫn chưa dự báo được. Với tình hình hiện tại, phường cũng không khuyến khích người dân trồng nhiều, chỉ vừa đủ phục vụ trong tỉnh vì e ngại đầu ra khó khăn sẽ khiến người trồng thua lỗ.

Bà Hoàng Thị Thanh Mận, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Khánh Hòa cho biết năm nay, lượng hoa trồng phục vụ Tết Nhâm Dần giảm 50% so với mọi năm; trong khi giá vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lại tăng rất cao so năm trước.

Mặt khác, mưa kéo dài cũng ảnh hưởng đến việc chăm sóc, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Người trồng hoa cũng lo lắng vì thiếu thị trường tiêu thụ lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang bởi những nơi này bị ảnh hưởng rất lớn của dịch COVID-19.

Xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa được mệnh danh là “thủ phủ” hoa Tết của tỉnh Quảng Ngãi. Thế nhưng, thay vì trồng đại trà như mọi năm thì năm nay, người trồng hoa buộc phải thu hẹp diện tích trồng vì lo ngại “bí” đầu ra.

Ông Lê Tuấn Đạo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hiệp cho biết, năm nay chỉ còn khoảng 400 hộ trong xã trồng hoa với diện tích bình quân 1-2 sào/hộ. Loại hoa được người dân chọn trồng chủ yếu là hoa cúc, chiếm tới 80% chủng loại.

Từ tháng 7 Âm lịch, anh Dương Thành Công, thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp mạnh dạn thuê đất bãi bồi ven sông Vệ để trồng hơn 200 chậu hoa cúc. Những ngày qua, tại địa phương xuất hiện mưa lớn kéo dài nên cúc sinh trưởng và phát triển chậm, thậm chí hư hại đến 30%. Không khác gì anh Công, anh Huỳnh Minh Thái, thị trấn sông Vệ cũng đang mất ăn mất ngủ vì 600 chậu cúc có dấu hiệu nhiễm bệnh nấm lá chân do sương muối gây ra.

Anh Thái phải túc trực cả ngày lẫn đêm tại vườn, tranh thủ những ngày nắng ráo phun thuốc đặc trị, cố công chăm sóc để cứu vãn. Nhiều nhà vườn khác trong vùng đã mất trắng vì cúc thiệt hại tới 100%, đành phải nhổ bỏ. Nếu thuận lợi thì vụ hoa Tết năm nay sẽ cho lãi từ 25- 30 triệu đồng. "Còn nếu dịch bệnh bùng phát trở lại, thương lái không đến thu mua được thì coi như đổ sông đổ bể hết," anh Thái chia sẻ.

Tại các tỉnh Phú Yên, mưa lũ cuối tháng 11 vừa qua khiến cho nhiều diện tích hoa “mất trắng.” Theo thống kê của Ủy ban nhân dân xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa, toàn xã có diện tích 20ha trồng hoa lay ơn nhưng có 15ha đã ngập lụt, hư hỏng hoàn toàn. Diện tích còn lại tỷ lệ sống không đáng kể, muốn có thu hoạch nông dân phải rất tốn công và chi phí chăm sóc.

Ông Huỳnh Tấn Dũng, thôn Ngọc Phước 2, xã Bình Ngọc than thở, nước lũ rất lớn đã cuốn phăng công sức của nhiều hộ trồng hoa trong thôn. Nhà ông may mắn còn sót lại một ít nhưng tỷ lệ hoa sống chỉ khoảng 30%. Hy vọng từ nay đến khi thu hoạch, thời tiết sẽ thuận lợi để nông dân vơi bớt khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục