Theo các số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 2/5, nhu cầu việc làm của nước này trong tháng 3 đã giảm tháng thứ ba liên tiếp, cho thấy thị trường lao động tiếp tục có dấu hiệu nới lỏng.
Số cơ hội việc làm của Mỹ trong tháng 3 đã giảm 384.000 xuống còn 9,590 triệu việc làm, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021.
Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters trước đó dự báo có khoảng 9,77 triệu cơ hội việc làm trong tháng 3.
Dữ liệu của tháng 2 cũng được điều chỉnh cao hơn với 9,97 triệu cơ hội việc làm thay cho số liệu 9,93 triệu việc làm báo cáo trước đó.
Số lượng lao động bị sa thải cũng tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2020, dẫn đầu là các lĩnh vực xây dựng, địa ốc, thực phẩm và chăm sóc sức khỏe. Tỷ lệ bỏ việc cũng giảm xuống mức 2,5%, tương đương với khoảng 3,9 triệu việc làm, mức thấp nhất trong 2 năm, tập trung trong các lĩnh vực nhà ở và thực phẩm.
Trong khi đó, tỷ lệ cơ hội việc làm dành cho người thất nghiệp giảm xuống còn 1,6 trong tháng 3, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021.
Các số liệu trên được Bộ Lao động Mỹ công bố trong bối cảnh Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) bắt đầu cuộc họp chính sách trong 2 ngày từ ngày 2-3/5, theo đó cơ quan này được dự báo tăng lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản lên mức 5-5,25%.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng sự kết hợp của các yếu tố như điều kiện tín dụng thắt chặt và lạm phát dai dẳng sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm nay.
[Moody"s: Kế hoạch nâng trần nợ sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế Mỹ]
Bộ Thương mại Mỹ ngày 27/4 công bố các số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế của nước này đã “mất đà” trong quý 1 năm 2023.
Theo bộ trên, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý 1 năm 2023 tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2022, và giảm 2,6% so với quý 4 năm 2022.
Bộ trên nêu rõ: “So với quý 4 năm 2022, sự giảm tốc của GDP thực trong quý 1 năm 2023 chủ yếu phản ánh sự suy giảm đầu tư tư nhân và sự chậm lại của đầu tư cố định.” Thực tế này một phần được bù lại nhờ sự gia tăng chi tiêu tiêu dùng và xuất khẩu.
Thông báo của Bộ Thương mại Mỹ nêu rõ số liệu tăng trưởng GDP “phản ánh mức tăng trong chi tiêu tiêu dùng, xuất khẩu, chi tiêu của chính phủ liên bang,” bên cạnh một số dạng đầu tư.
Thực tế, tiêu dùng - vốn là động lực cho nền kinh tế lớn nhất thế giới - bắt đầu mạnh lên từ tháng 1/2023, nhưng giới chuyên gia cảnh báo sự hỗn loạn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng cũng như lãi suất tăng có nguy cơ phủ bóng lên triển vọng tiêu dùng.
Hoạt động kinh tế đã giảm bớt khi Ngân hàng Dự trữ liên bang (Fed) nhanh chóng tăng lãi suất cho vay nhằm kiềm chế lạm phát, trong khi hậu quả đầy đủ của những rối loạn trong lĩnh vực ngân hàng gần đây vẫn chưa thể hiện rõ.
Các chuyên gia Ian Shepherdson và Kieran Clancy của Hãng nghiên cứu tư vấn kinh tế Pantheon Macroeconomics dự báo sự mất đà này “có thể kéo dài trong quý 2.”
Về phần mình, chuyên gia Ryan Sweet của công ty Oxford Economics dự báo những rối loạn trong hệ thống ngân hàng gần đây và việc siết chặt các tiêu chuẩn cho vay sẽ khiến tốc độ tăng trưởng suy giảm nghiêm trọng hơn dự báo trong quý 2.
Ông nói: “Các chỉ dẫn về chu kỳ kinh tế cho thấy nền kinh tế Mỹ đã mất đà trong tháng Hai và gần đạt tới điểm chuyển sang mức âm”./.