Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi đáng kể nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong năm 2020. Thời điểm mua sắm sôi động dịp cuối năm khiến một số ngành bắt đầu phục hồi và tăng nhu cầu tuyển dụng trở lại...
Nhu cầu tuyển dụng tăng cao
Theo thông tin của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến cuối quý 3/2020, cuộc khủng hoảng do COVID-19 tạo ra đã tác động tới sinh kế của hơn 10 triệu lao động thông qua giảm số giờ làm việc, giảm lương hoặc mất việc làm.
Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi COVID-19, đến thời điểm cuối năm nhiều doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất và đẩy mạnh tuyển dụng lao động ở nhiều lĩnh vực. Một số doanh nghiệp tuyển thêm công nhân mới với nhiều chính sách đãi ngộ đồng thời xây dựng phương án chăm lo Tết cho người lao động.
Đánh giá tình hình thị trường lao động việc làm trong quý 4, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn Hà Nội trong quý 4 dự kiến tăng từ 10-15% so với quý 3. Đặc biệt, nhu cầu tuyển dụng lao động vẫn sẽ tiếp tục tăng vào đầu năm 2021 khi sản xuất của doanh nghiệp đang dần khôi phục và sôi động hơn vào dịp cận Tết Nguyên đán 2021.
Ông Vũ Quang Thành cho hay từ nay đến Tết Nguyên đán 2021, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp còn tăng cao. Cơ hội việc làm tập trung chủ yếu vào nhóm 26-35 tuổi, mức lương trung bình các doanh nghiệp trả cho người lao động dịp cuối năm từ 5-15 triệu đồng. Trong đó, mức 5-7 triệu đồng/tháng dành cho lao động chưa có tay nghề, sinh viên mới ra trường hoặc các công việc thời vụ, bán thời gian; mức cao từ 10-15 triệu đồng/tháng đối với những nhân lực chất lượng cao hơn, vào các vị trí kinh doanh, quản lý…
Không chỉ ở Hà Nội mà tại Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh… nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, các doanh nghiệp cũng có nhu cầu tuyển dụng thêm hàng chục nghìn lao động để đáp ứng hoạt động sản xuất-kinh doanh vào dịp cuối năm 2020 và đầu năm 2021.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, trong quý 4 nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố cần khoảng 70.000 lao động. Tại Đồng Nai, doanh nghiệp cũng có nhu cầu tuyển dung hơn 21.000 lao động. Các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao gồm: Chế biến gỗ, da giày, dệt may, điện-điện tử, hóa chất, chế biến thực phẩm, việc làm thời vụ...
[Thị trường lao động Việt Nam trong quý 4 đang có dấu hiệu khởi sắc]
Đại diện một công ty da giày cho biết khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, đơn vị phải cho hàng trăm lao động nghỉ việc, giãn việc nhưng dần đây đã bắt đầu có đơn hàng mới cho cuối năm và cho cả đầu năm sau nên doanh nghiệp đang phải tuyển dụng lao động trở lại.
Triển vọng việc làm nội địa
Trong quý 4/2020 và đầu năm 2021, các hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc nhóm ngành nghề nội địa, phục vụ lễ Tết có xu hướng phát triển mạnh. Các chuyên gia dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động thuộc nhóm lĩnh vực thương mại dịch vụ, bán hàng, kinh doanh sẽ tăng mạnh, đặc biệt là nhu cầu sử dụng lao động bán thời gian.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), các ngành nghề của Việt Nam chia thành các nhóm ngành chính: Nhóm thứ nhất phục vụ nhu cầu nội địa, nhóm 2 phục vụ liên doanh, liên kết và nhóm 3 phục vụ thị trường quốc tế. Trong 3 hệ thống nhóm ngành, nhóm ngành phục vụ nhu cầu nội địa có khả năng phục hồi ở mức nhanh trong thời gian tới.
Ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay những tháng cuối năm thị trường lao động sẽ hết sức sôi động. Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông, thời vụ, phục vụ sản xuất các đơn hàng, đáp ứng cho việc xuất khẩu của những tháng cuối năm sẽ tăng, đặc biệt là nhóm ngành dịch vụ, tiếp đến là các nhóm liên quan đến gia công, chế tạo, ngân hàng, dịch vụ vận chuyển, xây dựng… cũng tăng nhu cầu về nhân sự.
Hiện nay, các trung tâm dịch vụ việc làm đều đã tăng cường kết nối cung cầu lao động qua các phiên giao dịch việc làm lưu động, trực tuyến để đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng tăng cao vào dịp cuối năm và gần Tết. Hình thức tư vấn được đa dạng hóa để phù hợp với nhiều đối tượng như tư vấn qua điện thoại, tư vấn qua Facebook, Zalo…
Tuy vậy, trong khi một số ngành sản xuất đã có dấu hiệu khởi sắc thì một số ngành dịch vụ du lịch, khách sạn vẫn bị ảnh hưởng nặng nề, nhu cầu tuyển dụng lao động vẫn bị hạn chế. Ông Vũ Quang Thành cho hay nếu như hàng năm, dịch vụ lưu trú, khách sạn sẽ có nhu cầu sử dụng lao động năm tăng lên cuối năm thì năm nay nhu cầu tuyển dụng của ngành nghề này cũng không nhiều./.