Dịch COVID-19 bùng phát từ hồi cuối tháng Tư đã khiến thị trường lao động đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Hàng loạt kỷ lục tiêu cực về lao động được xác lập cho thấy cơ hội tìm kiếm được việc làm của người lao động trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo về tình hình lao động việc làm quý 3/2021 và 9 tháng năm 2021 do Tổng Cục Thống kê tổ chức ngày 12/10.
Tác động tiêu cực tới hơn 28,2 triệu lao động
Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động cho biết chỉ tính riêng trong quý 3, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 khi bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… So với quý trước, số lao động chịu tác động xấu bởi đại dịch COVID-19 trong quý 3 tăng thêm 15,4 triệu người.
Trong số trên, có 4,7 triệu người bị mất việc, chiếm 16,5%; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 51,1%; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 42,7% và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 67,2%.
Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, lần lượt là 59,1% và 44,7%. Con số này ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thấp hơn nhiều, lần lượt là 17,4% và 19,7%.
Theo ông Phạm Hoài Nam, thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. So với quý 2 năm trước (quý đã từng chứng kiến mức thu nhập bình quân “bắt đáy” do thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16), mức thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý 3 năm nay thậm chí còn thấp hơn nhiều và trở thành mức thu nhập thấp nhất được ghi nhận trong nhiều năm trở lại đây.
Lao động ở vùng Đông Nam Bộ chịu tổn thương nặng nề nhất với mức thu nhập giảm sâu, thu nhập bình quân của lao động vùng này là 5,7 triệu đồng, giảm 2,4 triệu đồng (giảm tương ứng 29,8%) so với quý trước và giảm 1,9 triệu đồng (giảm tương ứng 24,9%) so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, người lao động tại tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh có thu nhập bình quân tháng giảm chỉ còn 5,8 triệu đồng, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây ở địa phương này.
Thiếu việc làm và thất nghiệp tăng cao đột biến
Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát của đại dịch, trong đó đợt thứ tư ảnh hưởng nặng nề nhất đến thị trường lao động. Lao động có việc làm trong quý 3 đã tiếp tục giảm sâu chưa từng thấy từ trước tới nay với gần 2,6 triệu người so với quý trước và 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Số lượng lao động có việc làm quý 3 chỉ còn là 47,2 triệu người, xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Làn sóng dịch COVID-19 cũng đã làm tỷ lệ và số người lao động thiếu việc làm trong quý 3 tăng cao bất thường. Tỷ lệ thiếu việc làm tăng lên tới 4,46%, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh tăng tới 8,5%, cao hơn 3,6 lần so với thành phố Hà Nội (2,39%). Số lượng lao động thiếu việc làm trên cả nước là hơn 1,8 triệu người, tăng 700.300 người so với quý trước và tăng 620.000 người so với cùng kỳ năm trước.
[Nhu cầu tuyển dụng cuối năm: Sản xuất im ắng, tài chính vẫn tăng]
Theo ông Phạm Hoài Nam, cùng với xu hướng tăng của tỷ lệ thiếu việc làm, diễn biến bất thường của đại dịch COVID-19 cũng đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến, vượt xa con số 2% như thường thấy.
Trên phạm vi toàn quốc, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 3 là hơn 1,7 triệu người và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,98%, tăng 1,36% so với quý trước và tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp của người trong độ tuổi lao động nói trên là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, khiến cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động càng khó khăn hơn./.