Nhận định trên được đưa ra tại cuộc họp về tình hình xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2009 và các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu 4 tháng cuối năm 2009 do Bộ Công thương chủ trì với sự tham dự của các Hiệp hội ngành hàng, diễn ra sáng nay (27/8), tại Hà Nội.
Ngành nào cũng “khó”
Theo đánh giá của Bộ Công thương, 8 tháng đầu năm 2009 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 37,3 tỷ USD, để hoàn thành kế hoạch cả năm 2009 thì 4 tháng cuối năm bình quân phải đạt từ 5,7 - 5,8 tỷ USD/tháng, trong đó tập trung mạnh vào các mặt hàng được coi là có lợi thế lớn như gạo, dệt may, dầu thô, thủy sản…
Tuy nhiên, ý kiến của nhiều Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp đưa ra tại cuộc họp này, để giữ được mức như năm 2008 đã là thành công lớn, bởi nguyên nhân là lượng xuất khẩu có tăng mạnh nhưng lại không được giá đã kéo lùi kim ngạch xuất khẩu của tất cả các ngành hàng.
Theo ông Nguyễn Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội lương thực, 8 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đạt trên 4 triệu tấn, mục tiêu 6 triệu tấn gạo xuất khẩu năm 2009 chắc chắn sẽ hoàn thành, nhưng khó khăn nhất là dù xuất khẩu nhiều nhưng hiệu quả lại đạt thấp do giá cả liên tục giảm.
“Hiệu quả 4 tháng cuối năm của ngành gạo sẽ rất khó khăn, giá cả đang giảm mạnh. Nếu không đẩy mạnh xuất khẩu và mua vào kịp thời sẽ khó đảm bảo mức lãi”, ông Huệ nói.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng cho hay, do giá thế giới giảm, buộc các doanh nghiệp gỗ phải giảm giá thành 10%, cộng với việc siết chặt tiêu chuẩn tại các thị trường Mỹ, EU đối với các sản phẩm gỗ khiến xuất khẩu năm nay khó về đích.
Hy vọng vào mặt hàng chủ lực như dệt may cũng không khả thi, khi ngành này không thể đóng góp thêm cho kim ngạch xuất khẩu chung. Ông Lê Văn Đạo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội dệt may cho biết: “Xu thế xuất khẩu dệt may các tháng cuối năm đều giảm, cố gắng cả năm 2009 đạt mức 9,1 tỷ USD như 2008 đã là nỗ lựcc rất lớn, còn chỉ tiêu 9,5 tỉ USD khó hoàn thành”.
Trong khi đó đại diện Tập đoàn Dầu khí cũng cho rằng, năm nay kim ngạch xuất khẩu dầu thô sẽ giảm do phải chuyển bớt một phần vào phục vụ Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Càphê, Cacao cho rằng: Việt Nam đã có những mặt hàng được xếp hàng đầu thế giới như (tiêu, điều, cà phê, gạo), nhưng chúng ta lại không chi phối được giá cả nên đã bị ép giá và kim ngạch không đạt yêu cầu đề ra.
Đột phá bằng thị trường
Mặc dù các thị trường lớn như Mỹ và EU suy giảm, nhưng thị trường Nhật Bản, châu Phi, Nga, Hàn Quốc… lại tăng cao. Đánh giá của Bộ Công thương và các hiệp hội vẫn cho rằng, việc thay đổi cơ cấu các ngành hàng và chọn ra được những thị trường tiềm năng sẽ là khâu đột phá thúc đẩy xuất khẩu.
"Cần có sự nghiên cứu và hướng vào thị trường tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu, cùng liên kết với các ngành hàng để đưa máy móc thiết bị, thực hiện việc xúc tiến, quảng bá sản phẩm, sẽ tiết kiệm chi phí hiệu quả lại cao”, ông Nguyễn Minh Huệ chia sẻ.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cũng cho rằng, 4 tháng cuối năm nếu khai thác tốt các lợi thế về thị trường và tiềm năng nội tại của các ngành sẽ có thể kéo kim ngạch xuất khẩu lên.
“Tập trung vào việc phân khúc thị trường từ cao cấp xuống trung bình, tiết giảm chi phí làm lợi thế cạnh tranh đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mũi nhọn như thủy sản, càphê, dệt may khi được ưu đãi”, thứ trưởng Biên nói.
Theo Thứ trưởng Biên, phía Trung Quốc sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam về xúc tiến thương mại tại thị trường Trung Quốc để giúp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.
Ngoài ra, theo đại diện các Hiệp hội ngành hàng, để đẩy mạnh xuất khẩu trong tình hình hiện nay, cần có chính sách cho vay ưu đãi để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.
“4 tháng cuối năm giá nguyên liệu sẽ tăng cao, tranh thủ thời điểm này cho doanh nghiệp được vay ưu đãi để mua nguyên liệu chờ thời cơ xuất khẩu”, ông Nguyễn Tôn Quyền nói./.