Thị trường nhân sự 2021: 50% lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Mặc dù khảo sát về thị trường nhân sự năm 2021 được thực hiện trong bối cảnh COVID-19 nhưng có đến hơn 50% người tham gia thể hiện sự lạc quan nhất định về triển vọng nền kinh tế của Việt Nam.
Thị trường nhân sự 2021: 50% lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam ảnh 1(Ảnh minh họa: Mỹ Phương/Vietnam+)

Theo Navigos Group, hơn 50% người tham gia khảo sát về thị trường nhân sự năm 2021 thể hiện sự lạc quan về triển vọng ổn định và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Có 17% cho rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh, 35% cho biết nền kinh tế sẽ tiếp tục được giữ vững.

Đây là thông tin được đưa ra trong báo cáo về “Thị trường nhân sự 2021: Cơ hội việc làm-Thách thức trong tuyển dụng và mức lương hiện hành của người lao động” do Navigos Group thực hiện. Báo cáo tổng quan dựa trên khảo sát khoảng 35 ngành trên thị trường tuyển dụng.

Mặc dù người lao động vẫn lạc quan về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 nhưng lại có sự chệnh lệch giữa các cấp bậc. Theo đó sự lạc quan tăng trưởng tỷ lệ nghịch với cấp bậc: Nhân sự cấp càng cao thì sự lạc quan về tăng trưởng càng giảm.

Có đến 58% nhóm ứng viên mới ra trường đi làm cho biết họ lạc quan về kinh tế Việt Nam sẽ giữ vững ổn định hoặc tăng trưởng. 53% nhóm trưởng nhóm/giám sát có cùng ý kiến này; nhóm trưởng phòng/phó phòng cũng chiếm đến 50% chia sẻ cùng quan điểm.

[Thị trường lao động năm 2021 khởi sắc theo “làn sóng” dòng vốn FDI]

Đối với cấp ban điều hành, tổng giám đốc/phó tổng giám đốc, có 51% cho rằng nền kinh tế sẽ ổn định và tăng trưởng. Tuy nhiên bên cạnh đó có đến 35% cho rằng sẽ suy giảm. 38% nhóm ứng viên thuộc cấp giám đốc/phó giám đốc, 37% trưởng phòng/phó phòng cũng đồng tình về sự suy giảm này. Chỉ 30% nhóm trường nhóm/giám sát và 22% nhóm ứng viên mới ra trường cho biết họ nghĩ rằng nền kinh tế sẽ suy giảm trong năm tới.

Sự lạc quan của nhân sự cấp cao thấp hơn có lẽ là do nhóm ứng viên này có mức lương chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ COVID-19 trong năm 2020. 40% người tham gia khảo sát thuộc nhóm ứng viên viên ban điều hành, cấp tổng giám đốc/phó tổng giám đốc cho biết mức lương của họ bị cắt giảm ở nhiều tỷ lệ khác nhau. Nhóm giám đốc/phó giám đốc là nhóm xếp thứ hai chịu ảnh hưởng khi có đến 32% cho biết họ bị cắt giảm lương.

Khi được hỏi các ứng viên có đang tìm kiếm công việc mới hay không trong năm 2021, có 52% ứng viên cho biết họ sẽ tìm việc trong 3-6 tháng tới; 13% sẽ tìm việc trong vòng 12 tháng tới. Kết quả khảo sát cũng cho thấy sự khác biệt trong các cấp bậc khi khi tìm việc làm mới.

Yếu tố về lương thưởng và chế độ phúc lợi luôn là yếu tố hàng đầu được tất cả các cấp bậc quan tâm khi chuyển việc. Tuy nhiên, các nhóm vẫn có sự khác biệt về những yếu tố còn lại, nhóm ứng viên cấp cao  bao gồm giám đốc, tổng giám đốc/phó tổng giám đốc coi trọng những yếu tố khác biệt khi tìm việc hơn.

Đối với nhóm ứng viên mới ra trường, nhóm đi làm có kinh nghiệm, nhóm giám sát/quản lý, nhóm trưởng phòng đều cho rằng 3 yếu tố quan trọng nhất khi họ tìm việc lần lượt là: Lương thưởng chế độ đãi ngộ, cơ hội thăng tiến, cơ hội đào tạo.

Cấp phó giám đốc, giám đốc cho biết 3 yếu tố hàng đầu khi họ chuyển việc lần lượt là chế độ lương thưởng phúc lợi, văn hóa công ty, phong cách người quản lý.

Đối với ứng viên thuộc ban điều hành cấp bậc tổng giám đốc/phó tổng giám đốc, 3 yếu tố họ quan tâm nhiều nhất khi chuyển việc lần lượt là chế độ lương, thưởng, phúc lợi, cơ hội cân bằng công việc và cuộc sống, phong cách quản lý. /.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục