Sau một tuần tạm dừng, các nhà đầu tư có thể giao dịch nickel trở lại tại Sàn giao dịch kim loại London (LME).
Tuy nhiên, thị trường vẫn rất biến động, một dấu hiệu cho thấy xung đột tại Ukraine tiếp tục có những tác động ngoài dự kiến đến hệ thống tài chính toàn cầu.
Giao dịch nhiều hàng hóa như các kim loại khác, các nông sản như lúa mỳ, và năng lượng biến động kể từ khi đại dịch bùng phát làm gián đoạn các chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, chiến dịch của Nga liên quan tới Ukraine, một nước xuất khẩu lớn về lúa mỳ và ngô và các lệnh trừng phạt sau đó nhằm vào Nga, nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt, nickel, nhôm và palladium, đã khiến tình hình xấu thêm. Các nhà giao dịch đang đánh giá liệu có tình trạng thiếu hụt, dẫn tới giá tăng mạnh hay không.
Các vấn đề của thị trường nickel là đáng ngại nhất. Trong tuần trước, LME đã phải dừng giao dịch lần đầu tiên kể từ năm 1988, sau khi giá tăng gấp đôi chỉ trong vài giờ.
[Giá niken tăng cao có thể làm "vỡ mộng" điện khí hóa của các hãng ôtô]
Giá nickel tăng mạnh có thể là một vấn đề lớn đối với các nhà sản xuất ôtô.
Trong phiên 17/3, giá kim loại này giảm xuống 41.495 USD/tấn, khi các nhà giao dịch bán ra ngay sau khi thị trường mở cửa.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu căng thẳng ở các thị trường khác. Số nhà giao dịch đặt cược vào dầu mỏ đã giảm mạnh do tâm lý chờ giai đoạn biến động đi qua.
Giá dầu Brent sau khi tăng vọt qua mức 139 USD/thùng sau khi xung đột tại Ukraine xảy ra đã giảm gần 30% trong tuần sau đó.
Việc các nhà giao dịch rút khỏi thị trường do cho rằng tình hình quá mờ mịt và nguồn tiền cạn dần sẽ khiến thị trường đứng trước những biến động lớn hơn, do lượng người mua và bán tiềm năng giảm đi.
Những biến động đó khiến thị trường khó có thể hoạt động bình thường. Các nhà giao dịch có thể nhận lệnh dừng ký quỹ từ các nhà môi giới, đề nghị bảo hiểm trước những tổn thất gia tăng. Nếu họ không có đủ tiền mặt, tình hình có thể xấu đi nhanh chóng, đưa đến một loạt những hậu quả không mong muốn./.